|
Hội thảo tăng cường hợp tác khu vực về tội phạm lâm nghiệp. |
Tại Hội thảo, đại diện INTERPOL đã chia sẻ về một số chương trình, dự án và công cụ của INTERPOL nhằm kết nối các quốc gia trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm lâm nghiệp, ví dụ như:
(1) Chương trình an ninh quốc gia về môi trường của INTERPOL (ENS): Đây là Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia thành viên trong phòng chống tội phạm về môi trường; cung cấp các công cụ hỗ trợ cũng như các chiến lược giúp các quốc gia phòng chống tội phạm về môi trường.
(2) Dự án hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tội phạm lâm nghiệp của INTERPOL (Dự án LEAP): Thông qua dự án, INTERPOL điều phối tổ chức các Chiến dịch phòng, chống tội phạm lâm nghiệp; các Cuộc họp nhóm làm việc hỗ trợ phân tích, điều tra các vụ án, vụ việc; cung cấp báo cáo đánh giá tình hình tội phạm; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực; chia sẻ về các kết quả đã đạt được của INTERPOL trong triển khai Chiến dịch phòng, chống tội phạm liên quan đến rừng năm 2022 (Chiến dịch ARCADIA).
(3) Trung tâm phòng chống tội phạm về tài chính và tham nhũng của INTERPOL (IFCACC): IFCACC hỗ trợ các quốc gia thành viên phân tích thông tin, điều tra tội phạm; thực hiện các Dự án, Chiến dịch về phòng, chống tội phạm tài chính nói chung cũng như tội phạm tài chính có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng; cung cấp các công cụ, dịch vụ như: Cơ chế can thiệp thanh toán nhanh toàn cầu (I-GRIP) sử dụng mạng I24/7 của INTERPOL cho phép các quốc gia thành viên gửi và xử lý các yêu cầu theo dõi, ngăn chặn hoặc tạm thời phong tỏa các khoản tiền thu được bất hợp pháp từ tội phạm; Kết nối một số cơ sở dữ liệu của INTERPOL với Đơn vị tình báo tài chính của các quốc gia (I-FIUs) nhằm nâng cao khả năng của Đơn vị tình báo tài chính quốc gia trong việc tham chiếu chéo các báo cáo giao dịch đáng ngờ với hệ thống cơ sở dữ liệu của INTERPOL.
Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện của UNODC đã giới thiệu về các chương trình, kế hoạch của UNODC liên quan đến hợp tác phòng, chống tội phạm lâm nghiệp như: Chương trình kiểm soát công-ten-nơ và các hỗ trợ khác trong đấu tranh với tội phạm liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; Kế hoạch của UNODC hỗ trợ các quốc gia về đấu tranh với tội phạm lâm nghiệp trong những năm tới.
Để INTERPOL và UNODC có thể hỗ trợ tốt hơn cho các nước trong phòng, chống tội phạm lâm nghiệp, đại diện Đoàn đại biểu 04 quốc gia đã chia sẻ về tình hình tội phạm lâm nghiệp, các phương thức thủ đoạn, những khó khăn vướng mắc trong quá trình đấu tranh với loại tội phạm này tại mỗi nước, qua đó đề xuất các nhu cầu hỗ trợ với INTERPOL và UNODC. Theo chia sẻ từ các quốc gia, tội phạm lâm nghiệp luôn hướng tới các khu vực rừng tại các quốc gia có nhiều loài gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Các đối tượng lợi dụng công tác quản lý lỏng lẻo, hoặc tìm cách tác động, mua chuộc để đưa người đến khai thác gỗ trái phép, sau đó dùng phương tiện thô sơ vận chuyển đến các địa điểm tập kết, đưa đi tiêu thụ. Các đối tượng thường trộn lẫn gỗ lậu và gỗ hợp pháp để vận chuyển; tăng cường sử dụng giấy tờ xuất nhập khẩu giả để gây khó khăn cho việc phát hiện gỗ khai thác trái phép. Bên cạnh đó, việc mua bán lâm sản thường được thanh toán trực tiếp, hoặc qua khâu trung gian khi nhập lậu lâm sản ở nước ngoài, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc điều tra nguồn tiền.
Kết thúc Hội thảo, INTERPOL và đại biểu các nước đều thống nhất cần phải tăng cường trao đổi thông tin qua hệ thống I-24/7 để nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm; tăng cường khai thác và sử dụng các công cụ, dịch vụ của INTERPOL để phòng ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm nói chung cũng như các vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp nói riêng.
Ngoài ra, trong thời gian tới, INTERPOL sẽ tiếp tục phối hợp với UNODC lên kế hoạch để triển khai nhiều hoạt động với cơ quan thực thi pháp luật các nước trong phòng, chống tội phạm lâm nghiệp.