Hội thảo tăng cường hợp tác khu vực ASEAN về tội phạm sử dụng công nghệ cao

30/12/2023
Vừa qua, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc (KNPA) đã phối hợp với Văn phòng INTERPOL Indonesia (INP) tổ chức Hội thảo “Tăng cường hợp tác khu vực ASEAN về tội phạm sử dụng công nghệ cao” tại Bali, Indonesia.

Tham dự Hội thảo có 40 đại biểu đến từ các đơn vị phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Văn phòng INTERPOL của 09 quốc gia Đông Nam Á, gồm: Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippine, Thái Lan, Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Ngài Yaya Ahmudiarto, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Cảnh sát Indonesia; Ngài Park Joungwon, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế KNPA và Ngài Jiong Yungil, lãnh đạo Cơ quan KOICA đều nhận định: Với sự phát triển của công nghệ và quá trình toàn cầu hóa, tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới nói chung và tại khu vực ASEAN nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp và trở thành một thách thức lớn với lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia. Tội phạm sử dụng công nghệ cao đã vượt ra ngoài phạm vi lãnh thổ của quốc gia và hoạt động trong tất cả các lĩnh vực.
 

Hội thảo “Tăng cường hợp tác khu vực ASEAN về tội phạm sử dụng công nghệ cao”.
Hội thảo “Tăng cường hợp tác khu vực ASEAN về tội phạm sử dụng công nghệ cao”.


Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về 03 chủ đề chính: (1) Các nguy cơ từ tội phạm sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo; (2) Hiểm họa trong sự liên kết giữa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến và tội phạm buôn người; (3) Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế giữa các quốc gia ASEAN trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Liên quan đến các nguy cơ từ tội phạm sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các đại biểu nhận định rằng: Hiện nay, những công nghệ đột phá trong Cách mạng 4.0 nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng được áp dụng ngày càng nhiều trong hầu hết các lĩnh vực và đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, việc ứng dụng, phát triển các công nghệ này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho nhân loại, đặc biệt là đối với công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tội phạm có thể lợi dụng các ứng dụng AI để gia tăng thiệt hại trong hầu như tất cả các hình thức tấn công mạng, ví dụ như các ứng dụng AI có khả năng tạo ra video và âm thanh giả mạo cực kỳ chân thực, hay còn gọi là deepfakes và deepvoice, có thể được sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến, lan truyền thông tin sai lệch, gây hiểu lầm và làm hại đến uy tín của cá nhân hoặc tổ chức. Nguy hiểm hơn, AI có thể tự động hóa quá trình tìm kiếm và khai thác các lỗ hổng bảo mật trên các hệ thống mạng, làm tăng tốc độ, quy mô và hiệu quả của các cuộc tấn công mạng. Ngoài ra, AI có thể được sử dụng để nâng cao khả năng xâm nhập và vượt qua các hệ thống bảo mật, làm cho việc phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công trở nên khó khăn hơn.

Để đối phó với những mối đe dọa này, Hội nghị nhận thấy việc thiết lập các nguyên tắc đạo đức và mô hình quản lý chặt chẽ đối với việc phát triển và sử dụng AI là cực kỳ quan trọng đối với từng quốc gia. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần phải phát triển các giải pháp an ninh mạng tiên tiến, sử dụng chính AI để đối phó với các mối đe dọa mới nảy sinh từ AI; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhận thức công chúng cũng như hợp tác quốc tế trong ứng phó các mối đe dọa liên quan đến AI.

Về việc đánh giá hiểm họa giữa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến và tội phạm buôn người, các quốc gia ASEAN đều có chung nhận định: Tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến có liên quan mật thiết đến các “trung tâm lừa đảo” được đặt tại các đặc khu kinh tế tại một số quốc gia như Lào, Campuchia, Myanmar. Các trung tâm lừa đảo này đều có tính chất khép kín, được bảo vệ nghiêm ngặt bằng vũ trang, có nhân sự thực hiện hành vi lừa đảo được mua bán, vận chuyển từ các chiến dịch buôn người từ các quốc gia khác. Với lời hứa hẹn mức lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, các đối tượng đã lừa đảo, dẫn dụ người dân từ các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan. Tại đây, nhóm người này bị đe dọa, hành hung, cưỡng ép phải thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Nếu không thực hiện hoặc thực hiện chưa đủ yêu cầu sẽ bị hành hung, bán sang các cơ sở lừa đảo khác hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng. Có nhiều trường hợp các đối tượng sau khi thoát khỏi các trung tâm lừa đảo sẽ về quốc gia sở tại tự tuyển mộ, lôi kéo thành viên để thiết lập tổ chức lừa đảo riêng của mình. Các quốc gia đều nhận định đây là vấn đề rất phức tạp, cần có sự phối hợp đồng bộ của tổ chức cảnh sát khu vực và cảnh sát mỗi quốc gia để nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra xử lý và phòng ngừa.

Đối mặt với những thách thức do tội phạm sử dụng công nghệ cao gây ra, các nước trong khu vực đã đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng như: Nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật các nước thông qua các chương trình đào tạo chung, hội thảo và hội nghị quốc tế; Phát triển và áp dụng các chính sách, quy định pháp luật đồng bộ và hiện đại giữa các nước thành viên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và truy tố tội phạm xuyên quốc gia; Thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế, như Interpol, Europol, Aseanapol hoặc các tổ chức phi chính phủ. 

Bản quyền INTERPOL Việt Nam
Tìm kiếm