Chiến dịch được điều phối từ các sở chỉ huy của Europol tại La Hay (Hà Lan), Tổ hợp Đổi mới toàn cầu của INTERPOL (IGCI) tại Singapore, Ameripol tại Colombia và Canada, và Liên minh Đào tạo và giám định mạng quốc gia (NCFTA) tại Hoa Kỳ.
GAAD là một chiến dịch quốc tế có sự tham gia phối hợp của 60 quốc gia, 56 hãng hàng không và 12 công ty du lịch trực tuyến nhằm chống lại thủ đoạn gian lận trong mua vé máy bay trực tuyến. Chiến dịch kéo dài trong năm ngày từ 18 - 22 /11 liên quan đến hơn 200 sân bay trên toàn thế giới, đã phát hiện 165 giao dịch đáng ngờ.
|
Đơn vị điều phối chiến dịch GAAD đóng tại Tổ hợp Đổi mới toàn cầu của INTERPOL ở Singapore. |
Trong quá trình diễn ra chiến dịch, INTERPOL đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong lĩnh vực tư nhân, bao gồm các chuyên gia đến từ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), American Express, Mastercard và VISA Cyber Source nhằm trao đổi thông tin và nắm tình hình tội phạm.
Ông Paul Stanfield, Giám đốc Ban phòng, chống tội phạm có tổ chức và tội phạm mới nổi của INTERPOL cho biết: “Chiến dịch GAAD nhắm vào những đối tượng gian lận vé máy bay và các hoạt động tội phạm khác có liên quan. Đây là một ví dụ điển hình của hợp tác đối tác công - tư thông qua cách tiếp cận đa ngành để đối phó với các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và giữ an toàn cho các cộng đồng trên thế giới”.
|
Chiến dịch khẳng định sự cần thiết của hợp tác và trao đổi thông tin giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong đấu tranh phòng chống gian lận vé máy bay. |
Cơ quan biên giới và Cảnh sát biển Châu Âu (Frontex) đã triển khai lực lượng tại 28 sân bay để hỗ trợ trong quá trình diễn ra chiến dịch. Dự án truyền thông sân bay (AIRCOP) do Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) phối hợp với INTERPOL và Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) cũng tích cực tham gia chiến dịch.
Đại diện của các hãng hàng không, công ty du lịch trực tuyến, công ty thanh toán thẻ, IATA, Tập đoàn phòng chống gian lận hàng không châu Âu cũng hợp tác với các chuyên gia của Europol để xác định các giao dịch đáng ngờ và hỗ trợ cho các nhân viên thực thi pháp luật tại các sân bay.
Theo ước tính, ngành công nghiệp hàng không thua lỗ gần 1 tỷ USD mỗi năm do gian lận trong mua vé máy bay trực tuyến. Các giao dịch trực tuyến này có khả năng sinh lợi cao cho tội phạm có tổ chức và thường liên quan đến các hoạt động tội phạm nghiêm trọng hơn như nhập cư bất hợp pháp, buôn bán người, buôn lậu ma túy và khủng bố.