INTERPOL đã đặt Trung tâm chỉ huy Chiến dịch tại Singapore để liên kết các quốc gia thành viên thống nhất các hoạt động phát hiện, điều tra và ngăn chặn sự cố, hành vi gây ô nhiễm môi trường biển.
Giám đốc điều hành Europol Catherine De Bolle cho biết: Sự cố ô nhiễm môi trường biển đang gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Để ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển đòi hỏi phải có sự phối hợp đa cơ quan trên phạm vi toàn cầu. Sự phối hợp liên quốc gia, liên ngành đã mang lại kết quả khả quan, phát hiện hàng nghìn vụ vi phạm liên quan đến ô nhiễm môi trường biển.
Tại Nigeria, Văn phòng INTERPOL ở Abuja đã điều phối hoạt động của một lực lượng đặc nhiệm gồm 18 cơ quan để tiến hành kiểm tra các nhà máy lọc dầu bất hợp pháp, chịu trách nhiệm về một loạt các vụ rò rỉ dầu nghiêm trọng làm ô nhiễm đường thủy nước này.
Trong khi đó, thông tin trao đổi giữa Malaysia và Hà Lan cho phép các cơ quan chức năng xác định quốc gia nguồn của bảy thùng chứa chất thải nhựa được vận chuyển bất hợp pháp vào Malaysia từ Bỉ qua Hồng Kông.
Tại Ecuador đã tiến hành một chiến dịch thu gom rác thải nhựa tại Khu di sản thế giới thuộc quần đảo Galapagos, loại bỏ hơn 600 kg rác thải.
Chính quyền Indonesia đã phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về những chủ trương, chính sách mới của cơ quan thực thi pháp luật quốc gia trong việc tăng cường ngăn chặn ô nhiễm biển.
Có thể khẳng định, trong Chiến dịch toàn cầu “30 ngày trên biển”, INTERPOL thể hiện vai trò quan trọng trong việc điều phối hành động liên quan nhiều cơ quan một cách hiệu quả trên phạm vi toàn cầu để giúp các quốc gia đối phó với sự cố ô nhiễm môi trường biển và tội phạm có liên quan.