INTERPOL và Tổ chức Hải quan Thế giới chung tay trấn áp tội phạm buôn bán động vật hoang dã

10/07/2019
Từ ngày 4 - 30/6/2019, INTERPOL và Tổ chức Hải quan Thế giới (World Customs Organization, viết tắt là WCO) đã phối hợp thực hiện chiến dịch Thunderball, với sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật và hải quan các nước ngăn chặn tội phạm buôn bán động vật hoang dã và gỗ quý tại 109 quốc gia trên thế giới.

Một nhóm công tác đặc biệt gồm các nhân viên hải quan và cảnh sát các nước đã triển khai hoạt động tại trụ sở của INTERPOL tại Singapore, thu thập thông tin, xác định các tuyến đường buôn bán và các điểm nóng mà loại tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã tập trung hoạt động để thông báo cho các lực lượng kiểm soát biên giới, cảnh sát và lực lượng bảo vệ môi trường kịp thời ngăn chặn, thu giữ các sản phẩm động vật hoang dã như thú lớn họ mèo, linh trưởng, động vật hoang dã biển, gỗ và một số hàng hóa làm từ động vật hoang dã như quần áo, sản phẩm làm đẹp, thực phẩm, thuốc cổ truyền và đồ thủ công mỹ nghệ.

Kết quả điều tra ban đầu đã xác định gần 600 nghi phạm bị bắt giữ trên toàn thế giới. Thông tin về các vụ bắt giữ được cập nhật liên tục từ các quốc gia trên thế giới, số lượng thu giữ cụ thể như sau:

- 23 động vật linh trưởng sống;

- 30 thú lớn họ mèo và số lượng lớn các bộ phận của động vật hoang dã;

- 440 miếng và 545 kg ngà voi;

- 05 sừng tê giác;

- Hơn 4.300 con chim các loại;

- Gần 1.500 con bò sát và 10.000 con rùa nước và rùa cạn;

- 2.550 mét khối gỗ và hơn 2.600 cây trồng quý hiếm;

- Gần 10.000 động thực vật biển hoang dã như san hô, cá ngựa, cá heo và cá mập.

Tổng thư ký WCO Kunio Mikuriya nhấn mạnh, kết quả của Chiến dịch Thunderball đã cho thấy sự hợp tác chặt chẽ trên phạm vi toàn thế giới đã mang lại hiệu quả cao trong việc phòng, chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã. INTERPOL và WCO có lịch sử hợp tác lâu dài, thường xuyên hỗ trợ các hoạt động của nhau trong lĩnh vực này và Chiến dịch Thunderball đánh dấu một hướng đi mới trong quan hệ đối tác của hai bên, đảm bảo công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã được thực hiện một cách toàn diện, từ phát hiện đến bắt giữ, điều tra và truy tố.

Ông Kunio Mikuriya cũng cho rằng cần nâng cao nhận thức trong cộng đồng thực thi pháp luật toàn cầu về mức độ nghiêm trọng của tội phạm buôn bán động vật hoang dã và cần có sự tham gia của các nhóm xã hội dân sự để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các mạng lưới tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

Trong suốt Chiến dịch Thunderball, các nhân viên hải quan và cảnh sát đã phối hợp với các cơ quan bảo vệ môi trường, động vật hoang dã và lâm nghiệp, cơ quan kiểm soát biên giới và cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng) để xác định và chặn các lô hàng có chứa động thực vật hoang dã và các loài khác được bảo vệ và điều chỉnh theo công ước CITES.

Một số hình ảnh của chiến dịch:

Lực lượng chức năng của Mexico kiểm tra và phát hiện một con hổ trắng được giấu trong xe bán tải.

Số ngà voi (Oloxodanta Victana) được Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya thu giữ tại hiện trường.

Cảnh sát Chile (PDI) phát hiện, thu giữ hơn 4.300 con chim, bao gồm cả loài vẹt đuôi dài (Enicognathus Leptorhynchus).

Cảnh sát môi trường Ecuador phát hiện, thu giữ gần 10.000 con rùa hoang dã, bao gồm cả giống rùa Snapping (Chelydra serpentina).

Cơ quan chức năng Ấn Độ phát hiện, bắt giữ đối tượng buôn bán vẹt đuôi dài và chim Munias.

Lực lượng chức năng Ý kiểm tra và phát hiện lô hàng san hô (Scleractinia spp) buôn lậu từ Hy Lạp đến Pháp.

Lực lượng chức năng Nga kiểm tra một xe tải lớn và phát hiện 4.100 con rùa Horfield.

Chó nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành lý và hoàng hóa bị nghi ngờ có chứa động vật hoang dã.

Cảnh sát Brazil thu giữ cá ngựa vằn quý hiếm đã bị chết trong quá trình đối tượng buôn lậu vận chuyển.

Các mặt hàng thời trang có sử dụng bộ phận của động vật hoang dã bị lực lượng chức năng Tây Ban Nha kiểm tra, thu giữ.

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm