Hỏi đáp trực tuyến

Cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để đấu tranh phòng, chống tội phạm

Người gửi: Cử tri tỉnh Trà Vinh

Cử tri đề nghị Nhà nước tiếp tục có biện pháp mạnh mẽ hơn để đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trên cả nước nói chung; các ngành chức năng tăng cường công tác giữ gìn an ninh, trật tự, điều tra, truy bắt tội phạm để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đề nghị nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng tăng nặng khung hình phạt đối với các loại tội phạm, kể cả hình phạt cao nhất đối với tội phạm giết người dã man đối với người vị thành niên nhằm mang tính răn đe cho toàn xã hội.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 9286

Câu trả lời

1. Về đề nghị tiếp tục có biện pháp mạnh mẽ hơn để đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình hình an ninh, trật tự vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình tội phạm về trật tự xã hội, nhiều loại tội phạm gia tăng về tính chất và mức độ. Trong 6 tháng đầu năm 2013, đã phát hiện 28.482 vụ phạm pháp hình sự, tăng 6,05% so với cùng kỳ năm 2012 (các tội cố ý gây thương tích tăng 9,6%; hiếp dâm trẻ em tăng 26,5%; trộm cắp tài sản tăng 2,93%; cướp giật tài sản tăng 7,96%; cưỡng đoạt tài sản tăng 26,15%; giết người giảm 2,23%; tội phạm ma túy tăng 18,05%; đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc tăng 7,26%; số vụ chứa mại dâm, môi giới mại dâm tăng 5,92%;...); 05 thành phố trực thuộc Trung ương chiếm 22,41% số vụ (riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 19,7%). Phân tích về đối tượng phạm tội cho thấy đối tượng phạm tội dưới 18 tuổi chiếm 8,2%, tập trung ở lứa tuổi 16-18.

Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục gia tăng kéo theo nhiều người lao động mất việc làm tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội; (2) chuẩn mực đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội, văn hóa ứng xử xuống cấp, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, nhất là trong thanh, thiếu niên rất đáng lo ngại; (3) số người nghiện ma túy chưa giảm, số người nghiện ma túy tổng hợp có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp, nhất là ở địa bàn các thành phố lớn, một số vụ do bị gây ảo giác từ sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến phạm tội (cả nước hiện có 180.783 người nghiện ma túy); (4) hệ thống các văn bản pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là các quy định liên quan đến xử lý tình trạng vay nợ, “tín dụng đen” trong nhân dân; (5) công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, một số mặt chưa đạt hiệu quả, nhất là đối với các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội; (6) ý thức cảnh giác tự bảo vệ của nhiều người còn hạn chế, chủ quan, sơ hở bị tội phạm lợi dụng...

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, Bộ Công an đã chỉ đạo tăng cường toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm; tập trung đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, các đường dây tội phạm về ma túy, mua bán người... Trong 6 tháng đầu năm 2013, lực lượng công an đã điều tra, khám phá 21.313 vụ phạm pháp hình sự (đạt 74,8%); bắt 4.802 vụ cờ bạc, xử lý 21.811 đối tượng; bắt giữ 9.451 vụ, 14.178 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 328,845kg heroin, 34,444kg và 97,419 viên ma túy tổng hợp, 1.427kg cần sa; triệt phá 1.064 băng, nhóm tội phạm các loại, trong đó có nhiều băng, nhóm tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, như: băng nhóm Tý “điên” ở Thành phố Hồ Chí Minh; băng nhóm Tú “khỉ” ở Hưng Yên; tụ điểm cờ bạc Đức “vẩu” ở Bắc Ninh; băng nhóm Dũng “mặt sắt” ở Quảng Ninh…

Thời gian tới, Bộ Công an tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số công tác trọng tâm sau:
- Tham mưu với Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 (khóa X) của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới” gắn với thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2015; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân và vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự.

- Nắm tình hình, dư luận, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cùng với các ngành, đoàn thể hữu quan phối hợp đề xuất giải quyết mâu thuẫn ngay từ đầu và tại cơ sở để phòng ngừa, ngăn chặn các trọng án do nguyên nhân xã hội và các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, bạo lực, trộm cắp vặt, lô đề…

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, thông tư liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, giáo dục các đối tượng có nguy cơ cao về tội phạm, vi phạm pháp luật; đẩy mạnh các phong trào xây dựng khu dân c¬ư văn hoá; xây dựng phong trào quần chúng tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục người chưa thành niên. Triển khai trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp, các cơ sở dạy nghề về các mô hình, như “Khu nội trú sinh viên an toàn, văn minh, không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”… để tuyên truyền, động viên thế hệ trẻ tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự.

- Triển khai liên tục các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản...; điều tra khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

- Tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp 03 lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống cướp giật, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông... duy trì và xây dựng mô hình các đội săn bắt cướp (SBC) và các mô hình quần chúng tham gia đấu tranh với tội phạm cướp giật tài sản.

- Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tiếp tục thiết lập, tổ chức hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm.

- Báo cáo Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo triển khai Đề án tăng cường toàn diện cho Công an cấp huyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đảm bảo  công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự có hiệu quả ngay từ địa bàn cơ sở.

2. Về đề nghị sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng quy định tăng nặng khung hình phạt đối với các loại tội phạm, kể cả hình phạt cao nhất đối với tội phạm giết người dã man đối với người vị thành niên

Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa và đặc điểm phát triển tâm sinh lý của người chưa thành niên, Bộ luật hình sự năm 1999 đã có các quy định riêng đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm; không xử phạt tù chung thân, tử hình, hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội… Thực tiễn gần đây cho thấy tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng.

Việc tăng nặng khung hình phạt đối với các loại tội phạm nhằm mục đích răn đe là một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng đây là vấn đề thuộc về chính sách pháp luật. Hiện nay, Bộ Công an đang tiến hành tổng kết việc thi hành Bộ luật hình sự và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự. Bộ Công an xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ có những đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. 
 

Người trả lời: Bộ Công an