Hỏi đáp trực tuyến

Về đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội nhiều lần sau khi được mãn hạn tù hoặc được ân xá

Người gửi: Cử tri tỉnh Bình Dương

Cử tri phản ánh các đối tượng sau khi mãn hạn tù hoặc được Nhà nước ân xá được một thời gian ngắn đã lại tiếp tục phạm tội, không chịu tu chí làm ăn, hòa nhập với cộng đồng. Tình trạng phạm tội ở các đối tượng này trở nên tinh vi, manh động hơn. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng cần đẩy mạnh việc giáo dục cho phạm nhân trong trại giam, tạo điều kiện làm việc để người mãn hạn tù có công ăn việc làm và nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng; bên cạnh đó cần xử lý nghiêm đối với các đối tượng phạm tội nhiều lần sau khi được mãn hạn tù hoặc được ân xá.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 5923

Câu trả lời

Trong những năm qua, nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá tha tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, Bộ Công an đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2011/NĐ-CP, ngày 16/9/2011 quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2011/NĐ-CP; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, tổ chức tiếp nhận, quản lý giáo dục người chấp hành xong án phạt tù ngay từ khi họ hết án trở về địa phương.

Các trại giam tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân; chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho phạm nhân, thành lập Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân tại các trại giam; lập Quỹ tái hòa nhập cộng đồng trích từ kết quả lao động, học nghề của phạm nhân, nhằm giúp họ có điều kiện thuận lợi để tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, để đánh giá thực trạng tình hình người được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội, Bộ Công an đã chỉ đạo tiến hành tổng điều tra, khảo sát tình hình người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại các địa phương từ năm 2002 - 2012. Kết quả khảo sát 424.878 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương cho thấy, trong đó số người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội chiếm tỷ lệ 18,86%; số người được đặc xá phạm tội chiếm tỷ lệ 4,34% trên tổng số người được đặc xá. Nguyên nhân chủ yếu là do người chấp hành xong án phạt tù hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, không có việc làm, thu nhập không ổn định, bị tác động của kẻ xấu, trong đó có phần thiếu sự quan tâm của chính quyền, gia đình, xã hội.

Để công tác tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả, đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và chung tay góp sức của toàn xã hội. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương:

- Tham mưu cấp ủy, chính quyền xây dựng các mô hình nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội trong việc quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

- Báo cáo Chính phủ tổ chức Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (dự kiến tổ chức Quý III/2014).

- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực giáo dục dạy nghề cho các trại giam, trường giáo dưỡng”; phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong việc giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

- Vận động, khuyến khích doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tổ chức tư vấn nghề nghiệp và tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Tại Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong đó có phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Như vậy, các đối tượng tái phạm tội sau khi được mãn hạn tù hoặc được ân xá, sẽ bị xử lý tăng nặng trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của Bộ luật hình sự.

Tỉnh Bình Dương là địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nên có nhiều điều kiện trong giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động phổ thông, đề nghị cử tri kiến nghị với các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh vận động các doanh nghiệp quan tâm tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Người trả lời: Bộ Công an