Hỏi đáp trực tuyến

Tình trạng buôn lậu qua biên giới

Người gửi: Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Cử tri cho rằng tình trạng buôn lậu qua biên giới cả ở các tỉnh phía Bắc, phía Tây và phía Nam vẫn diễn ra phức tạp. Cử tri đề nghị các ngành có chức năng cần tăng cường và có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng buôn lậu vào nước ta.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 5758

Câu trả lời

 Trong 6 tháng đầu năm 2013, hoạt động buôn lậu, tùy từng thời điểm mức độ hoạt động của các đối tượng khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên một số tuyến trọng điểm:

- Tuyến biên giới phía Bắc: chủ yếu diễn ra ở khu vực biên giới giáp Trung Quốc với các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Các mặt hàng buôn lậu qua biên giới phía Bắc rất đa dạng, nhiều chủng loại, chủ yếu là đồ gia dụng, điện tử, các loại thực phẩm, gia súc, gia cầm, thủy hải sản…

- Các tuyến biên giới miền Trung, phía Nam và Tây Nam Bộ: mặt hàng buôn lậu chủ yếu ở tuyến này là thuốc lá điếu và đường kính Thái Lan ở Quảng Trị, Tây Ninh, Long An và Đồng Tháp.

- Trên tuyến hàng không: Các đường bay quốc tế Hồng Kông - Hà Nội, Hồng Kông – Thành phố Hồ Chí Minh, Singapore - Thành phố Hồ Chí Minh, Singapore - Hà Nội, Hàn Quốc - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Lan - Thành phố Hồ Chí Minh... là các tuyến trọng điểm buôn lậu quốc tế. Mặt hàng nhập lậu là loại hàng gọn nhẹ, có thuế suất cao nh¬¬ư: vàng, điện thoại di động, hàng điện tử, thuốc tân dư¬¬ợc, ngoại tệ, cổ vật, kim cương, đồng hồ, ma túy, sừng tê giác, sản phẩm từ ngà voi Châu Phi…

Thủ đoạn hoạt động buôn lậu ngày càng đa dạng, phức tạp, khó phát hiện và rất liều lĩnh; các đối tượng sẵn sàng chống lại cơ quan chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đấu tranh với tội phạm buôn lậu trên tất cả các tuyến, lĩnh vực. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, từ đó đã kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu qua các tuyến biên giới. Đặc biệt, đã phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2088/QĐ-TTg, ngày 27/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2013 lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 2.463 vụ buôn lậu, thu giữ hàng hoá trị giá hơn 300 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo tăng cường đấu tranh với tội phạm buôn lậu, tập trung vào các biện pháp như sau:

- Công an các đơn vị, địa phương, nhất là tại các địa bàn có đường biên giới, chủ động nắm tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thuế suất, giá cả các mặt hàng vàng, ngoại tệ, khoáng sản, hàng tiêu dùng... trong nước so với nước ngoài. Từ đó dự báo tình hình, chủ động tham mưu với lãnh đạo các cấp chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu. Đồng thời, qua đấu tranh phải phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, pháp luật đề xuất sửa đổi, bổ sung, không để tội phạm lợi dụng hoạt động buôn lậu.

- Chủ động phối hợp với các lực lượng: Hải quan, Quản lý thị trường, Biên phòng, Thuế vụ, Cảnh sát biển… thu thập thông tin, triển khai các biện pháp đấu tranh. Trọng tâm là đấu tranh với các tổ chức, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, gồm: vàng, ngoại tệ, khoáng sản, hàng tiêu dùng như vải, quấn áo may mặc, đồ điện tử, pháo nổ, thuốc lá ngoại, rượu ngoại nhập lậu, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, ngà voi, sừng tê giác, yến sào…

- Bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát nhân dân với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường… đặc biệt là tại các địa phương có biên giới, cửa khẩu, các tỉnh, thành phố là thị trường tiêu thụ chính hàng nhập lậu; kiểm soát các loại hàng hóa nhập lậu, trốn thuế trên các tuyến giao thông, các tụ điểm tập kết, các kho tàng, bến bãi… kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm và tội phạm để bắt giữ và xử lý.

- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân, cán bộ công nhân viên ở các tuyến, địa bàn, phường, xã trọng điểm mà hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thường diễn ra, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, không tham gia, hoặc cảnh giác không để bọn tội phạm lợi dụng tiếp tay, giúp sức cho tội phạm buôn lậu; đồng thời tích cực tham gia cùng các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn lậu. 

- Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sỹ làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả.
 

Người trả lời: Bộ Công an