Hỏi đáp trực tuyến

Ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán trẻ em, phụ nữ...

Người gửi: Cử tri tỉnh Long An

Đề nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán trẻ em, phụ nữ, nạn đinh tặc, lâm tặc ngày càng nghiêm trọng ở nhiều nơi gây bất bình trong nhân dân.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 6025

Câu trả lời

1. Về đề nghị có giải pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, được Chính phủ và Bộ Công an quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công an các cấp đều bố trí lực lượng chuyên trách thực hiện công tác này. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng tăng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ, xuyên quốc gia và quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2013, trên cả nước xảy ra 227 vụ, lừa bán 451 nạn nhân (tăng 0,44% số vụ, 3,81% số nạn nhân so với cùng kỳ năm 2012). Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh tại TP. Hồ Chí Minh (các bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương…), mua bán người tại các tỉnh Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Phước…), gây tâm lý lo lắng, bất bình trong nhân dân.

Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa đồng đều; các biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả thấp; công tác truyền thông, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người còn dàn trải và hình thức, chưa tập trung; công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn chậm, chủ yếu hỗ trợ nạn nhân thông qua giải cứu hoặc trao trả; hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập; phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm mua bán người ở cơ sở chưa rộng khắp…Bên cạnh đó ý thức tự bảo vệ của một bộ phận người dân chưa được coi trọng, một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan để các đối tượng lợi dụng sơ hở thực hiện hành vi phạm tội…

Trước tình hình đó, với vai trò là Cơ quan Thường trực Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình 130/CP, gắn với các mặt công tác nghiệp vụ nhằm tăng cường phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với tội phạm mua bán người. Đồng thời, tổ chức giải cứu, tiếp nhận, phối hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh...
Thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán phụ nữ và trẻ em. Bộ Công chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các công tác sau:

- Tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và công tác thi hành án năm 2013; Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và các chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.

- Chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân, tăng cường cảnh giác phòng ngừa và tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Phối hợp các cơ quan truyền thông tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình trong phòng, chống tội phạm mua bán người.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện và xử lý triệt để các trung tâm môi giới trái pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi nhằm hoạt động mua bán người. Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, khắc phục những sơ hở trong quản lý người nước ngoài, quản lý nhân hộ khẩu, quản lý dịch vụ Internet... không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội mua bán người.

- Triển khai có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, trọng tâm là tuyến biên giới Việt Nam- Trung Quốc, Việt Nam- Cam-pu-chia. Tập trung đấu tranh, làm rõ các vụ án mua bán người, đặc biệt là các vụ án có tổ chức, xuyên quốc gia; truy bắt đối tượng phạm tội, nhất là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, đảm bảo mọi hành vi phạm tội mua bán người đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp khẩn trương điều tra, làm rõ các vụ án mua bán người đã xảy ra đưa ra xét xử công khai, lưu động để tuyên truyền, giáo dục, răn đe các đối tượng phạm tội khác.

- Tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ quan thực thi pháp luật, lực lượng cảnh sát các nước trong đó tập trung thông qua kênh hợp tác Interpol, ASEANAPOL trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Các địa phương có đường biên giới duy trì giao ban, gặp gỡ, đàm phán, thiết lập đường dây “nóng” với các đơn vị, địa phương của các nước láng giềng nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tổ chức các diễn đàn truyền thông chung về phòng, chống mua bán người.

2.  Về đề nghị tăng cường các biện pháp giải quyết triệt để nạn lâm tặc

Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng đã được Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp ở địa phương quan tâm chỉ đạo. Một số biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng đã được triển khai quyết liệt, nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng được tăng cường; sự phối hợp giữa các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm được đẩy mạnh, đã mở nhiều đợt truy quét để phát hiện, xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra phổ biến, ngày càng phức tạp và nghiêm trọng; xuất hiện nhiều điểm nóng về khai thác rừng trái pháp luật gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Nguyên nhân của vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua chủ yếu là do: (1) Sơ hở trong thực hiện các chính sách bảo vệ, phát triển rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; thực hiện các dự án phát triển rừng, chế biến lâm sản; việc mở rộng sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản; xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện vừa và nhỏ trong thời gian qua là những nguyên nhân làm suy kiệt tài nguyên rừng và tạo sơ hở cho lâm tặc lợi dụng để vi phạm. (2) Người dân phá rừng ở những vùng đất tốt để lấy đất trồng cây nông sản, cây công nghiệp, sau đó sang nhượng đất trái pháp luật. Một bộ phận khác phá rừng lấy gỗ phục vụ nhu cầu sinh hoạt. (3) Hoạt động phá rừng do các băng nhóm có tổ chức để khai thác các loại gỗ tốt, gỗ quý hiếm, có giá trị thương mại cao để buôn bán trái pháp luật. (4) Hiệu quả công tác phòng, chống lâm tặc còn nhiều hạn chế.

Để ngăn chặn tình trạng trên, trong thời gian tới, Bộ Công an đề xuất với Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành một số giải pháp sau:

- Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát, chính sách bảo vệ, phát triển rừng; chính sách an sinh cho đồng bào trong khu vực có rừng, vùng lõi, vùng đệm.

- Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật trong công tác quy hoạch, phát triển, giám sát, bảo vệ rừng. Quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển, trồng rừng, thủy điện, giao thông, chế biến lâm sản… không để sơ hở, thiếu sót cho lâm tặc lợi dụng hoạt động.

- Xây dựng cơ chế cân bằng giữa khai thác, sử dụng và phát triển rừng hợp lý, tránh tình trạng suy kiệt tài nguyên rừng.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về ý thức bảo vệ rừng, sự quan trọng của rừng đối với môi trường và cuộc sống của con người. Vận động chính quyền, già làng trưởng bản, những người có uy tín cũng như nhân dân tại những địa phương có rừng nâng cao ý thức bảo vệ rừng và tố giác tội phạm; vận động những đối tượng chuyên làm thuê cho các đầu nậu từ bỏ công việc làm thuê.

Đối với Bộ Công an, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ nghiên cứu xây dựng đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm về bảo vệ rừng, đủ năng lực để thực thi có hiệu quả công tác đấu tranh với các loại tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng; tổ chức điều tra, xử lý, triệt phá các đường dây, băng, nhóm, các đầu nậu khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản trái pháp luật; kiên quyết điều tra xử lý nghiêm các vụ chống lại lực lượng bảo vệ rừng; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Quân đội, Kiểm lâm, Thuế vụ, Hải quan và chính quyền các cấp để xử lý nghiêm các cán bộ quản lý tham nhũng, tiêu cực, làm ngơ, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng.

3. Về đề nghị có giải pháp ngăn chặn nạn đinh tặc

Năm 2011, trước tình trạng ở một số địa phương (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Hà Nội, Hà Nam…) nổi lên hoạt động của các đối tượng có hành vi tự chế và rải đinh, vật kim loại sắc nhọn trên các tuyến giao thông trọng điểm nhằm làm hư hỏng các phương tiện tham gia giao thông để bắt chẹt, chiếm đoạt tài sản của người đi đường dưới hình thức sửa chữa, thay thế phụ tùng với giá cao hơn nhiều lần so với giá thông thường, bất chấp việc gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe và gây khó khăn, cản trở hoạt động hoạt động giao thông của người dân; Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân, cảnh giác phòng ngừa và tự giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống nạn đinh tặc. Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm. Vì vậy, cơ bản đã ngăn chặn được nạn rải đinh, vật sắc nhọn trên các tuyến giao thông.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình hoạt động rải đinh trên các tuyến giao thông xuất hiện phức tạp trở lại ở một số địa phương (TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh…). Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tố giác, cung cấp thông tin về các đối tượng có hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát, phát hiện các đối tượng có hành vi vi phạm, củng cố tài liệu, chứng cứ, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đưa ra truy tố, xét xử điểm một số vụ để răn đe và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này.

Thời gian tới, trong quá trình tham gia xây dựng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thay thế Nghị định 34/NĐ-CP và Nghị định 71/NĐ-CP; Bộ Công an sẽ kiến nghị, đề xuất mức xử phạt nghiêm khắc, phù hợp đối với các hành vi rải đinh, vật kim loại sắc nhọn trên các tuyến giao thông gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông.   
 

Người trả lời: Bộ Công an