Hỏi đáp trực tuyến

Về tăng cường các biện pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội

Người gửi: Cử tri

Cử tri đề nghị tiếp tục có biện pháp mạnh mẽ hơn để đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội vì tình hình đang diễn biến phức tạp, gây phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 14654

Câu trả lời

Những năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm, nhất là tội phạm hình sự vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Năm 2011, trên cả nước xảy ra 49.393 vụ phạm pháp về hình sự, tăng 1,14% so với năm 2010; trong đó, tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương chiếm 24,8% số vụ (riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm 21,4%). Tội phạm trộm cắp tài sản chiếm 50,2% số vụ phạm pháp hình sự. Nhóm tội phạm do nguyên nhân từ mâu thuẫn xã hội có chiều hướng gia tăng; trong đó, số đối tượng phạm tội lần đầu chiếm 78,5%, đối tượng phạm tội trong độ tuổi từ 18-30 chiếm 68,7%; đáng lưu ý, số đối tượng thanh thiếu niên phạm tội ngày một nhiều, chủ yếu liên quan đến số thanh thiếu niên bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, chơi bời, càn quấy... đa phần bị ảnh hưởng tiêu cực văn hóa phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực trên mạng internet. Tình trạng phạm pháp trong học sinh, sinh viên và thanh, thiếu niên có chiều hướng gia tăng; qua phân tích 33.112 bị can bị khởi tố năm 2011 cho thấy có 1986 đối tượng phạm tội có độ tuổi dưới 18 (chiếm 6%), 672 đối tượng phạm tội là học sinh, sinh viên (chiếm gần 2%).

Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động mất việc làm; lạm phát tăng cao tác động trực tiếp đến các tầng lớp nhân dân; sự xuống cấp về đạo đức xã hội có mặt nghiêm trọng hơn, nhất là trong thanh, thiếu niên; tác động tiêu cực của văn hóa phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online) chưa có giải pháp ngăn chặn; hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập, nhất là các quy định liên quan đến xử lý tình trạng vay nợ trong nhân dân; các biện pháp phòng ngừa xã hội hiệu quả thấp; đấu tranh trấn áp chưa đủ mạnh; sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa đồng đều; phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm ở cơ sở chưa rộng khắp…

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và trấn áp tội phạm, kết hợp công tác nghiệp vụ với công tác vận động quần chúng và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, cụ thể là:

- Đã tập trung tham mưu với Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới” (đến nay, đã triển khai 100% đến cấp cơ sở); tham mưu với Chính phủ phê duyệt 03 Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011 - 2015 và chiến lược quốc gia phòng chống ma túy đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030; triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân và vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự.

- Triển khai liên tục các đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, tập trung đấu tranh trấn áp các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cưỡng đoạt tài sản, chống người thi hành công vụ…; điều tra khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt, để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, Bộ Công an đang nghiên cứu đánh giá tình hình, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức nhằm tăng cường các biện pháp phù hợp, tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh loại tội phạm này.

- Phối hợp nắm tình hình mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, cùng với các ngành, đoàn thể hữu quan phối hợp đề xuất giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở để phòng ngừa, ngăn chặn các trọng án do nguyên nhân xã hội, nhất là các vụ giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn, thù tức cá nhân.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, thông tư liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, giáo dục các đối tượng có nguy cơ cao về tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc bị tội phạm xâm hại, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, trẻ em; đẩy mạnh các phong trào xây dựng khu dân c¬ư văn hóa; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Báo cáo Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo triển khai Đề án tăng cường toàn diện cho Công an cấp huyện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đảm bảo cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự có hiệu quả ngay từ địa bàn cơ sở.
 

Người trả lời: Bộ Công an