Tại Chốt kiểm dịch huyện Đồng Văn thuộc xã Vần Chải - chốt cửa ngõ, thuộc địa bàn giáp ranh giữa hai huyện Yên Minh và Đồng Văn được lực lượng Công an huyện Đồng Văn túc trực 24/24 giờ. Điều kiện ăn ở sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) tại chốt gặp nhiều khó khăn, vì khu vực này địa thế khá hiểm trở, toàn núi đá, không bằng phẳng, không có đất để cắm cọc…
Thượng tá Đào Tuấn Hùng, Trưởng Công an huyện Đồng Văn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, Công an huyện tích cực khẩn trương vào cuộc, đặc biệt trong vai trò tham mưu; ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Công an huyện Đồng Văn do Phó Trưởng Công an huyện làm Trưởng Ban, các Đội trưởng các Đội nghiệp vụ, Đồn Trưởng là thành viên. Bên cạnh việc nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của cấp trên, đơn vị đã quán triệt triển khai các kế hoạch cụ thể tới toàn thể CBCS. Từ đó, CBCS Công an huyện đã xuống địa bàn phối hợp cùng các lực lượng cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, chủ động tuyên truyền đến nhân dân thông tin tình hình, cách phòng, chống dịch COVID-19 cũng như triển khai nắm tình hình, phòng ngừa các vấn đề tội phạm hình sự nảy sinh.
|
Đại úy Triệu Long Pú, Trưởng Công an xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cùng Tổ công tác đóng chốt cheo leo bên vách núi tại tâm dịch thôn Pín Tủng. |
Ngoài ra, Công an huyện Đồng Văn đã tăng cường các Tổ công tác thường xuyên đi kiểm tra, yêu cầu các nhà hàng, nhà nghỉ lưu trú, khách sạn phải có danh sách khách du lịch, kê khai đầy đủ lý lịch trích ngang, lịch sử hàng ngày khách đến, khách đi. Đối với những trường hợp ở tỉnh, thành phố có người nhiễm dịch, đơn vị làm công tác phòng ngừa cao, phối hợp với cán bộ y tế đo thân nhiệt, kiểm tra khai báo y tế.
Đặc biệt, khi xuất hiện ca bệnh nhân số 268, công tác rà soát được đẩy mạnh, nhanh chóng xác định các trường hợp F để kịp thời tiến hành cách ly. Công an huyện Đồng Văn trực tiếp chỉ đạo Tổ công tác rà soát trên địa bàn thị trấn, Bệnh viện Đa khoa huyện nơi bệnh nhân 268 đang điều trị. Bên cạnh đó, các Tổ công tác khác trong đêm đã xuống ngay thôn Pín Tủng, xã Phố Là để thống kê, rà soát các hộ dân trong thôn, kê khai các tiếp xúc với người bệnh để xác định các trường hợp F. Đến nay, đơn vị đã rà soát được 69 trường hợp F1, hiện đã đưa cách ly tập trung và 325 trường hợp F2, 523 trường hợp F3 đã lấy mẫu bệnh phẩm và đưa đi xét nghiệm…
Hiện tại, CBCS Công an huyện Đồng Văn đang tham gia tại 06 chốt trọng điểm khác bao quanh thôn Pín Tủng, xã Phố Là để chốt chặn và triển khai nhiệm vụ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không để bà con ra, vào nơi tâm dịch. Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, tất cả CBCS phải thực hiện tốt 03 yêu cầu để tránh lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp là đeo khẩu trang, giãn cách cự ly trên 02 mét, không tiếp xúc quá lâu trên 10 phút…
|
Nơi nghỉ ngơi của CBCS Công an huyện Đồng Văn tại các chốt kiểm soát dịch. |
Ngoài các chốt giáp biên, cửa ngõ, việc thành lập chốt ngay trong thôn Pín Tủng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, bởi 100% đồng bào ở đây là người dân tộc Mông, nhận thức còn nhiều hạn chế. Từ hôm phát hiện ca nhiễm, Công an huyện Đồng Văn đã cử 02 đồng chí thông thạo tiếng đồng bào dân tộc, có quá trình công tác và hiểu phong tục tập quán đồng bào dân tộc địa phương đến tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu sự nguy hiểm của dịch COVID-19. Các cán bộ làm nhiệm vụ trực tiếp tại đây sẽ thực hiện cách ly luôn tại chốt, không luân chuyển để tránh việc đưa mầm bệnh lây truyền sang nơi khác. Hàng ngày phối hợp chính quyền địa phương cung ứng nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình cách ly; trực tiếp tuyên truyền, nắm bắt sức khỏe bà con để phát hiện nếu có trường hợp nghi nhiễm và có thông tin kịp thời nhất. Hiện không chỉ mỗi chốt giữa thôn Pín Tủng mà các điểm chốt khác ngay trong tâm dịch, tất cả CBCS đang đảm nhận nhiệm vụ đều trực 24/24 giờ...
Với quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, tinh thần vì dân phục vụ, thực hiện tốt yêu cầu “4 tại chỗ”, CBCS Công an huyện Đồng Văn đã và đang nỗ lực hết sức góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, sớm đưa cuộc sống của bà con vùng cao trở lại nếp sống sinh hoạt bình thường hàng ngày.