Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chống dịch như không bố trí hơn 20 người trong một phòng, bảo đảm khoảng cách ghế ngồi…
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ngay việc không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình hiện nay khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 16 về cách ly xã hội. Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, có 209 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 1,5 triệu người nhiễm, hơn 08 vạn người tử vong. Hiện có gần 05 tỷ người, khoảng nửa dân số thế giới đang phải thực hiện biện pháp cách ly ở nhà, các thành phố lớn trên thế giới đều im ắng, vắng vẻ và hàng triệu người thất nghiệp. Chưa bao giờ trong những thập kỷ gần đây có đại dịch như vậy…
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ biết ơn tất cả người dân đã đồng hành, chia sẻ và thông cảm với Chính phủ về những bất tiện do giãn cách xã hội tạo ra để ngăn ngừa dịch bệnh.
Về tác động tới kinh tế - xã hội, dịch COVID-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của chúng ta đều bị ảnh hưởng rất trầm trọng… Trong bối cảnh đó, tất cả các nước trên thế giới gần như đều đưa ra gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp mạnh để kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay. Đối với nước ta, có độ mở nền kinh tế cao, dịch COVID-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, đây là mức tăng cao nhất khu vực. Trước hết, các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta, thời gian tới rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội, kể cả bất ổn xã hội. Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển. Do đó, Hội nghị hôm nay được coi là Hội nghị “4 trong 1” hay có thể gọi là “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống. Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch COVID-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu Hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, “như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian”. Sản phẩm của Hội nghị sẽ là một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả 03 lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm ngay việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ báo cáo, xin ý kiến ngay sau hội nghị này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội”.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, mỗi ngày, lực lượng Công an phải huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia chống dịch COVID-19, nhất là làm việc tại tuyến đầu nên có hàng chục nghìn cán bộ, chiến sỹ Công an có nguy cơ bị lây nhiễm dịch trong bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương vừa tiếp tục triển khai nghiêm các phương án, thực hiện "rà từng ngõ, gõ từng nhà" để phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, tăng cường các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang tác động toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, trong đó tác động công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Lợi dụng dịch bệnh, nhiều đối tượng thiết lập các website giả mạo tiến hành nhiều thủ đoạn nhằm đánh cắp thông tin tài khoản khách hàng để chiếm đoạt tiền, dẫn đến tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động trên không gian mạng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến quá trình giao dịch, an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thông tin, tuyên truyền sai sự thật liên quan đến bệnh dịch để gây tâm lý bất an, hoang mang dư luận, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng phân tích dịch COVID-19 đã tác động lĩnh vực kinh tế, việc làm, thu nhập, nảy sinh các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, tình trạng các cá nhân, tổ chức có hành vi găm hàng, vật tư y tế, đẩy giá lên cao để trục lợi... và cho rằng, cả nhiệm vụ chính trị - xã hội, an ninh quốc gia và đối ngoại cũng bị ảnh hưởng. Điều này rất rõ trong năm 2020, Việt Nam giữ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch ASEAN 2020. Song, các hoạt động đều phải giãn ra ảnh hưởng đến công tác chính trị, ngoại giao.
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. |
Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch, phản động gia tăng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá, nếu không sớm kiểm soát dịch bệnh, sẽ làm gia tăng tâm lý bất ổn, hỗn loạn trong xã hội, tiềm ẩn "điểm nóng" về an ninh, trật tự, tác động tiêu cực đến ổn định chính trị, xã hội. Dịch tác động đến kinh tế, an ninh kinh tế, khiến nguy cơ suy thoái, thậm chí khủng hoảng toàn cầu sẽ tác động tiêu cực lên tăng trưởng của Việt Nam, nhất là nền kinh tế của đất nước có độ mở lớn. Dịch cũng tác động đến công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý biên giới, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý cư trú của người nước ngoài. Dịch cũng tác động lĩnh vực kinh tế, việc làm, thu nhập, nảy sinh các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, tình trạng các cá nhân, tổ chức có hành vi găm hàng, vật tư y tế, đẩy giá lên cao để trục lợi...
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong bối cảnh dịch, tình hình tội phạm có thể sẽ có tác động, diễn biến phức tạp, nhất là số đối tượng chống đối không thực hiện các quy định pháp luật, quy định về phòng, chống dịch. Tội phạm hình sự như: Cướp giật tài sản, giết người cướp tài sản, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả nhất là hàng hóa liên quan đến phòng, chống dịch bệnh; hoạt động đầu cơ, nâng giá, trực lợi các vật tư thiết bị y tế... gia tăng; đồng thời khẳng định việc duy trì xã hội ổn định, đảm bảo an sinh xã hội để dập dịch, đồng thời đấu tranh trấn áp các loại tội phạm phục vụ phát triển kinh tế là rất quan trọng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phương án công tác công an ứng phó với các cấp độ chống dịch. Bộ Công an đã ra các Công điện, mệnh lệnh công tác về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tổ chức tốt công tác nắm tình hình, chủ động dự báo những tác động của dịch COVID-19 và hậu COVID-19 đến các vấn đề kinh tế, đời sống, an sinh xã hội có thể phát sinh những phức tạp về tội phạm và trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn, lĩnh vực để có các biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án cùng cấp lựa chọn một số vụ án điểm thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe vi phạm...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong thời điểm hiện nay, chúng ta quyết tâm chống dịch, thực hiện tốt Chỉ thị số 16, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị, vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
“Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, Thủ tướng bày tỏ. Phải tập trung sức lực hơn nữa, tháo gỡ, chấm dứt tình trạng trì trệ, chậm trễ như diễn ra vừa qua ở một số địa phương, một số ngành. Quý I, chúng ta tăng trưởng 3,82% là đáng khích lệ trong bối cảnh suy thoái toàn cầu nhưng đây là mức thấp, nhất là ở một số địa bàn trọng điểm, “chúng ta phải tự suy nghĩ cái này để phấn đấu tốt hơn”. Cho nên, cùng với quyết tâm, chỉ đạo phải cụ thể, sáng tạo hơn trên tinh thần biến nguy cơ thành thời cơ.
Nêu rõ, Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết 91 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lấy ví dụ về vấn đề xuất khẩu gạo của An Giang và khẳng định “sẽ có văn bản trả lời về xuất khẩu gạo”. Xuất khẩu gạo phải được kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực nhưng khuyến khích xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi của người nông dân. Đặc biệt, phải tìm thị trường mới, phải đổi mới cách làm, phải thay đổi thói quen. Phải xử lý nghiêm sự chậm chạp, vô trách nhiệm, từ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đến đầu tư, an sinh xã hội, trật tự xã hội, “có một số việc vô trách nhiệm, kéo dài mãi không chịu làm…
Về truyền thông, phải tạo nên động lực mới, tạo sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Với tinh thần đó, tôi tin một khí thế mới, quyết tâm mới trong giai đoạn sắp tới đây sẽ vượt khó đi lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội để thực hiện mục tiêu kép, đó là đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới, nhất là địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm phải có trách nhiệm đóng góp vào vấn đề này.Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp để đưa vào Nghị quyết của Chính phủ...