Việt Nam và UAE đàm phán về dự thảo Hiệp định dẫn độ và dự thảo Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù

30/11/2022
Từ ngày 28-29/11/2022, tại Thủ đô Abu Dhabi đã diễn ra vòng đàm phán thứ nhất dự thảo Hiệp định về dẫn độ và dự thảo Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).

Thực hiện ủy quyền của Chủ tịch nước, giao nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, Đoàn Đàm phán Việt Nam gồm đại diện của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước do Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an làm Trưởng đoàn; Đoàn đàm phán UAE gồm đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Viện Công tố các tiểu bang: Dubai, Abu Dhabi, Ras Alkhaimah do Thẩm phán Abdul Rahman AlBlooshi, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong lĩnh vực pháp chế làm Trưởng đoàn. 

Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an Việt Nam và Thẩm phán Abdul Rahman AlBlooshi, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong lĩnh vực pháp chế. 

 

Đảng và Nhà nước ta xác định UAE là đối tác trọng tâm tại khu vực Trung Đông nên kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, lao động, quốc phòng, an ninh, năng lượng... UAE cũng là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng của Việt Nam (hiện có 5.000 lao động Việt Nam làm việc tại UAE, thời điểm đỉnh cao có thể lên tới 10.000 người). Cùng với đó, ngày càng nhiều người Việt sang UAE làm ăn, sinh sống, du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tình hình tội phạm người Việt tại UAE đang diễn biến rất phức tạp. Cơ quan chức năng UAE cho biết hiện có 37 công dân Việt Nam đang chấp hành án phạt tù tại UAE. Bên cạnh đó, UAE cũng là địa bàn lẩn trốn của một số đối tượng truy nã của Việt Nam. 

Trong hợp tác phòng, chống tội phạm, hai nước cùng là thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương như Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Tuy nhiên, về cơ sở pháp lý hợp tác song phương còn rất hạn chế. Hiện nay mới chỉ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ UAE (ký năm 2016). Việc hai nước đàm phán tiến tới ký Hiệp định về dẫn độ và Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù sẽ tăng cường cơ sở pháp lý hợp tác giữa hai nước nói chung và hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật giữa hai nước nói riêng; qua đó, góp phần bảo đảm quyền con người và an ninh, trật tự tại mỗi nước.

Hai bên ký xác nhận dự thảo hai Hiệp định và ký Biên bản ghi nhớ.

 

Trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, hai Bên gặp gỡ và tiến hành đàm phán trên cơ sở bản tiếng Anh của dự thảo hai Hiệp định do Việt Nam xây dựng. Kết quả đàm phán vòng 1, hai bên đã đạt được sự thống nhất về tên gọi, Lời nói đầu, Điều 1 (nghĩa vụ dẫn độ), Điều 4 (các trường hợp có thể từ chối dẫn độ), Điều 5 (dẫn độ công dân), Điều 6 (cơ quan Trung ương) của Hiệp định về dẫn độ; tên gọi, Lời nói đầu, Điều 1 (định nghĩa), Điều 2 (các nguyên tắc chung), Điều 3 (cơ quan Trung ương), Điều 5 (từ chối chuyển giao), Điều 6 (thủ tục chuyển giao), Điều 7 (xác minh sự đồng ý), Điều 8 (hiệu lực của việc chuyển giao đối với Bên chuyển giao) của Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù. 

Kết thúc buổi đàm phán, hai bên ký xác nhận dự thảo hai Hiệp định và ký Biên bản ghi nhớ; đồng thời thống nhất sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của mỗi nước cho phép đàm phán vòng 2 dự thảo hai Hiệp định tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất để có thể ký chính thức hai Hiệp định vào năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

Thành Luân
Tìm kiếm