Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; huy động cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” theo quy định của pháp luật, Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đề xuất Nhân dân được tham gia ý kiến về phương án bảo đảm an toàn PCCC tại nơi cư trú, nơi làm việc.
Đề xuất Nhân dân được tham gia ý kiến về công tác PCCC, CNCH.

 

Dự thảo Thông tư gồm 03 Chương với 11 Điều, quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong nội bộ đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH.

Về nguyên tắc thực hiện dân chủ trong công tác PCCC, CNCH, dự thảo Thông tư quy định:

1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Bộ Công an về công tác PCCC, CNCH.

2. Các đường lối, chính sách và quy định về công tác PCCC, CNCH được công khai, minh bạch và thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

3. Xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng dân chủ cản trở hoạt động thực thi pháp luật của Công an, Cảnh sát PCCC và CNCH, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện nhiệm vụ PCCC, CNCH để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Nội dung công khai trong công tác PCCC, CNCH

Dự thảo Thông tư quy định rõ những nội dung công khai trong công tác PCCC, CNCH của Cảnh sát PCCC và CNCH và các đơn vị Công an được giao thực hiện nhiệm vụ:

1. Nội quy tiếp công dân; lịch tiếp công dân đến làm thủ tục; sơ đồ hoặc biến chỉ dẫn nơi làm thủ tục.

2. Tên và số điện thoại (nếu có) của từng bộ phận, họ tên, cấp bậc, chức vụ và nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ được phân công tiếp công dân đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; số điện thoại “đường dây nóng”.

3. Trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đến làm thủ tục liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

4. Các loại phí, lệ phí theo quy định.

5. Quy định, hướng dẫn việc gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp 114.

6. Danh mục các thủ tục hành chính, quy định, hồ sơ, biểu mẫu, trình tự, thẩm quyền, thời hạn giải quyết đối với từng loại thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: a) Thủ tục thẩm định thiết kế và kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, công trình và phương tiện giao thông; b) Thủ tục huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; c) Thủ tục cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; d) Thủ tục cấp phép trước khi lưu thông trên thị trường đối với phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy.

7. Kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

8. Danh sách công trình, phần công trình, hạng mục công trình xây dựng, phương tiện giao thông đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành mà đã đưa vào hoạt động.

Những việc Nhân dân tham gia ý kiến về công tác PCCC, CNCH

Dự thảo Thông tư quy định những việc Nhân dân tham gia ý kiến về công tác PCCC, CNCH cụ thể:

1. Biện pháp để thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Phương án, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC, CNCH tại nơi cư trú, nơi làm việc.

3. Việc thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng tham gia công tác PCCC, CNCH.

4. Đề nghị biểu dương khen thưởng cơ quan, tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác PCCC, CNCH; kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm quy định về PCCC, CNCH.

5. Tham gia ý kiến dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, CNCH (đối với các văn bản phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật).

Hình thức Nhân dân tham gia ý kiến

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định các hình thức Nhân dân tham gia ý kiến, gồm:

1. Thông qua đơn, thư gửi cơ quan Công an.

2. Thông qua điện thoại, hòm thư góp ý.

3. Thông qua Cổng Thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và trang thông tin điện tử của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu có); tài khoản mạng xã hội và các phần mềm ứng dụng trên thiết bị điện tử do cơ quan Công an lập và quản lý.

4. Thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm: Tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập.

5. Thông qua các cuộc điều tra xã hội học.

6. Thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan Công an.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến của nhân dân trong thời gian 60 ngày. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến chi tiết tại đây.

Duy Thanh