Đại diện từ lực lượng thực thi pháp luật và tư pháp, các đơn vị tài chính, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân đã tham gia diễn đàn quốc tế để xây dựng các giải pháp liên ngành và mang tính toàn cầu nhằm đấu tranh với các hoạt động phạm tội sử dụng tiền mã hóa.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường năng lực trong điều tra tài sản ảo và áp dụng các quy định đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo nhằm ngăn chặn rửa tiền. Ông Ilana de Wild, Trưởng ban về tội phạm có tổ chức và tội phạm mới nổi của INTERPOL cho biết: “Một cách tiếp cận liên ngành và đa lĩnh vực đến từ khu vực công và tư là chìa khóa để giải quyết vấn đề tội phạm tài chính và việc sử dụng tiền mã hóa sai mục đích. Bằng cách kết hợp kiến thức chuyên môn và dữ liệu về tội phạm tài chính do khu vực tư nhân nắm giữ, cùng với khả năng điều tra của các cơ quan thực thi pháp luật, chúng tôi có thể nâng cao toàn diện năng lực của các bên và mở rộng quy mô hợp tác đấu tranh chống tội phạm tài chính”.
Hội nghị cũng chia sẻ các xu hướng của tội phạm và kinh nghiệm điều tra tội phạm sử dụng tiền mã hóa, đồng thời xác định dòng tiền và các hoạt động của tội phạm ở các chợ đen. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận về một số trường hợp tấn công, tống tiền trực tuyến bằng mã độc điển hình, các phương thức thủ đoạn rửa tiền liên quan đến tài sản ảo và chuyển tiền thu được từ hoạt động buôn bán ma túy qua hình thức tiền mã hóa.
Các đại biểu tham gia Hội nghị đã thông qua các khuyến nghị bao gồm các sáng kiến nâng cao năng lực nhằm mở rộng khả năng điều tra tài sản ảo, thiết lập khuôn khổ quy định rõ ràng để ngăn chặn rửa tiền, áp dụng biện pháp “lần theo dòng tiền” để truy vết tài sản do phạm tội mà có, đồng thời củng cố hoạt động chia sẻ thông tin để triệt phá các mạng lưới tội phạm và sử dụng công nghệ mới trong điều tra tài chính.
Dự kiến, Viện Basel về quản trị công sẽ tổ chức Hội nghị toàn cầu về tội phạm tài chính và tiền mã hóa lần thứ 5 vào nửa cuối năm 2021.