Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động ứng phó thiên tai tại miền núi, trung du Bắc Bộ

10/06/2024
Ngày 10/6/2024, Bộ Công an có Công điện số 02/CĐ-BCA-V01 yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận; Cục Viễn thông và cơ yếu; Cục Y tế; Cục Truyền thông Công an nhân dân và Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng và Thanh Hóa về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ động ứng phó thiên tai tại miền núi, trung du Bắc Bộ.

Nội dung Công điện nêu rõ:

Từ ngày 08-10/6/2024 do ảnh hưởng của rãnh thấp nhiệt đới kết hợp với vùng xoáy thấp, ở một số địa phương khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn và đã xuất hiện lũ ở thượng nguồn, đã có thiệt hại về người (03 người chết và một số người mất tích); mực nước các hồ thủy điện: Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang đều cao hơn so với cùng kỳ năm 2023; một số khu vực thuộc các thành phố: Hà Giang, Uông Bí, Hạ Long, Hải Phòng bị ngập sâu, giao thông bị đình trệ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Dự báo từ ngày 14-17/6, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to, trong đó có thể xuất hiện các điểm mưa lớn cục bộ cường suất cao từ 100-150mm/24 giờ; nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu tại các vùng trũng thấp, ngập úng cục bộ tại đô thị. Trên các sông thuộc lưu vực sông Thao, sông Đà, sông Lô dự báo có xuất hiện lũ.

Thực hiện Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và chủ động ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ; lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Nắm chắc tình hình về diễn biến của thiên tai; chủ động toàn diện các biện pháp kịp thời ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ: (1) Bảo đảm tốt công tác an ninh, trật tự tại cơ sở, không để bị động, bất ngờ; (2) Hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, phối hợp khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện, nhất là trên các trục giao thông chính, tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan; (3) Bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

2. Thực hiện tốt công tác “4 tại chỗ”, chủ động các phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, các cơ sở giam giữ, trại tạm giam, trại giam của lực lượng Công an nhân dân. Chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

3. Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn: (1) Khắc phục nhanh nhất hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân; (2) Tập trung tìm kiếm những người bị mất tích, cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị nạn, nhất là những gia đình chính sách, hộ bị mất nhà cửa, gia đình neo đơn, hộ nghèo, khó khăn; (3) Rà soát, kịp thời phát hiện, sơ tán, di dời ngay người và phương tiện ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực bị ngập sâu, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; (4) Hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, vệ sinh môi trường, khôi phục các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân ngay sau khi lũ rút; (5) Phối hợp triển khai các biện pháp công tác đảm bảo an toàn hồ đập, thủy điện, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia, nhất là các công trình có khả năng tác động, ảnh hưởng lớn khi xảy ra sự cố, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập, kịp thời bổ sung các phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt... Thông tin kịp thời về tình hình mưa lũ và hình ảnh, hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Các đơn vị chức năng của Bộ (K02, C07, C08, C10, H01, H02, H03, H04, H06) sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, cơ số thuốc men, y tế, kinh phí để kịp thời chi viện cho các địa phương trong trường hợp cần thiết; có phương án bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với thiên tai, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, triển khai các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường, dịch tễ, phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong và sau thiên tai.

6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150 hoặc đ/c Hưng PTP4/V01: 0904231899, đ/c Đức CB P4/V01: 0979087633)./.

 

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website