Văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an có hiệu lực và lấy ý kiến trong tháng 10/2022

31/10/2022
Lượt xem: 2429
Trong tháng 10/2022, 02 Nghị định của Chính phủ liên quan công tác công an chính thức có hiệu lực thi hành. Đồng thời, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung cơ sở pháp lý trong nhiều lĩnh vực công tác quan trọng như: công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông...

02 Nghị định của Chính phủ liên quan lĩnh vực an ninh mạng; định danh và xác thực điện tử chính thức có hiệu lực thi hành

Phương án ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng bao gồm: Phương án phòng ngừa, xử lý thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; phương án phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên hệ thống thông tin...


Từ ngày 01/10/2022, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành. Trong đó, quy định việc xây dựng, hoàn thiện phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở Trung ương và địa phương. Người đứng đầu cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm ban hành phương án bảo đảm an ninh mạng đối với hệ thống thông tin do mình quản lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tập trung, có sự chia sẻ tài nguyên để tối ưu hiệu năng, tránh đầu tư trùng lặp...

* Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử quy định thông tin về tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Cụ thể, thông tin lịch sử về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử được lưu trữ trong hệ thống định danh và xác thực điện tử với thời hạn 05 năm kể từ thời điểm sử dụng tài khoản. Thông tin về tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Lực lượng Công an thu nhận thông tin cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho người dân để phục vụ việc cấp tài khoản định danh điện tử. 

 

Nghị định cũng quy định cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD, trang thông tin định danh điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử bằng thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn.

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng Công an nhân dân

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu tập trung PBGDPL trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng/Trang thông tin điện tử của Công an các đơn vị, địa phương hoặc của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp và các ứng dụng trên thiết bị di động; nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong PBGDPL...

 

Bộ trưởng Tô Lâm đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCA gồm 9 nhiệm vụ, yêu cầu các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các học viện, trường Công an nhân dân (Công an các đơn vị, địa phương) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện nghiêm túc để khắc phục những hạn chế, bất cập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.

Chỉ thị đã nêu rõ việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp trong chỉ đạo, theo dõi, điều hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của từng nhóm đối tượng, địa bàn...

Bộ Công an lấy ý kiến dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện trực tuyến Chung tay phòng, chống mua bán người vào ngày 30/7 vừa qua.


Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Việc ban hành đạo luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người đánh dấu một bước phát triển trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người nói riêng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người còn có ý nghĩa chính trị cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Theo đó, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm Báo cáo Tổng kết 09 năm thi hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đề xuất xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Luật Cảnh vệ là văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác bảo đảm an ninh, an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các sự kiện đặc biệt quan trọng và khu vực, mục tiêu trọng yếu.

 

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm Báo cáo Tổng kết 05 năm thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017; Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 
Việc ban hành Luật Cảnh vệ là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản... và phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ.

Dự thảo Thông tư quy định tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông

Dự thảo Thông tư này áp dụng đối với: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; Công an các đơn vị, địa phương; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 


Theo đó, dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT) quy định CSGT có quyền được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật... 

Dự thảo Thông tư cũng quy định trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện việc nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. 

02 dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy chữa cháy

Bộ Công an dự thảo 02 Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy chữa cháy để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Theo đó, dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy – Hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử quy định các thuật ngữ và định nghĩa, phân loại và model, các thông số cơ bản, yêu cầu, phương pháp thử nghiệm, quy tắc kiểm tra đối với thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao. Dự thảo Tiêu chuẩn này áp dụng đối với thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy phun sương áp suất cao. 

Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện bảo vệ cá nhân người chữa cháy – Dây cứu nạn, cứu hộ - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử quy định các yêu cầu tối thiểu về thiết kế, tính năng, thử nghiệm đối với dây cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Dự thảo Tiêu chuẩn này không quy định các yêu cầu đối với các loại dây được thiết kế cho các hoạt động leo núi, cứu hộ hang động, cứu hộ dưới nước.

 

Minh Ngân
Tìm kiếm