Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, Công an tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định, việc tham gia công tác phòng, chống mưa bão là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, hàng năm, Đảng ủy Công an tỉnh luôn có Kế hoạch chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn chú trọng làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn sát với tình hình thực tế. Công an các huyện, thành phố, thị xã, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thuỷ trong Công an tỉnh đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các loại phương tiện như tàu, thuyền, ca nô…, các trang thiết bị như: phao cứu sinh, áo phao… để triển khai nhiệm vụ khi cần thiết.
|
Chủ động trang cấp phương tiện, thiết bị phòng chống lụt bão cho các đơn vị trong Công an tỉnh. |
Tại các địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng từ mưa bão, để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, với vai trò của mình, lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở có kế hoạch cụ thể, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền, địa phương đề ra các biện pháp bám nắm địa bàn, tiến hành điều tra cơ bản, rà soát các vị trí xung yếu, dễ xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu để phối hợp với chính quyền địa phương có phương án di dời dân, cắm các biển cảnh báo vùng nguy hiểm đảm bảo an toàn cho người dân khi có tình huống xảy ra.
|
Sẵn sàng các thiết bị ứng phó, tìm kiếm cứu nạn. |
Lực lượng giao thông đường thủy bố trí cano cao tốc, tàu tuần tra tham gia tìm kiếm, cứu nạn, chủ động nắm chắc tình hình giao thông trên toàn tỉnh, bố trí lực lượng, tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông, kiên quyết không cho người, phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn, nhất là các điểm ngập lụt, sạt lở. Tại các địa bàn trọng điểm thường bị lũ quét, ngập sâu trên diện rộng, các công trình quan trọng như đê điều, hồ, đập, kênh mương thoát nước, lực lương Công an phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tổ chức khảo sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện những sự cố xẩy ra. Nhận thức đúng đắn bài học “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ khi có thiên tai bão lũ xảy ra; chủ động lên phương án hỗ trợ người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
|
Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. |
Lực lượng Công an các cấp, nhất là lực lượng Công an cấp cơ sở, lực lượng Công an tại các địa bàn vùng biển, chủ động phối hợp với cấp uỷ chính quyền xã tăng cường công tác tuyên truyền người dân làm tốt công tác phòng chống mưa bão; sẵn sàng các trang thiết bị cần thiết để chủ động ứng phó, tăng cường công tác kiểm tra luồng lạch, bãi neo đậu tàu, thuyền; vận động, hướng dẫn người dân, nhất là các ngư dân hoạt động ven biển, thực hiện việc neo đậu tàu thuyền, vào bờ tránh trú, hỗ trợ người dân sơ tán người, di dời tài sản về các địa điểm tập kết đảm bảo an toàn khi có sự cố thiên tai xảy ra trên địa bàn.
Để chủ động khi có mưa bão và các dạng thời tiết cực đoan xảy ra, Công an tỉnh đã trang bị nhiều xuống máy có công suất lớn, hàng trăm phao cứu sinh cấp cho các địa bàn có nguy cơ ngập lũ, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ được nối liền từ trung tâm Công an tỉnh đến Công an huyện, thành phố, thị xã và lực lượng Công an cấp cơ sở đáp ứng nhu cầu thông tin một cách thông suốt trong mọi tình huống. Hàng năm, chú trọng làm tốt công tác tác tập huấn, nâng cao kỹ năng vận hành các phương tiện đường thuỷ và các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cần thiết cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị. Qua đó, góp phần giúp lực lượng phản ứng nhanh hơn trong mọi tình huống, nhận và hoàn thành tốt nhiệm mọi vụ được giao, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão, lũ có thể gây ra.
|
Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ lái xuồng, ứng phó cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, chiến sỹ. |
Cùng với việc sẵn sàng các trang thiết bị cần thiết, tại các đơn vị trong Công an tỉnh luôn quán triệt tinh thần cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ, thường trực quân số chiến đấu 24/24h, chủ động ứng cứu trong mọi tình huống, đảm bảo lực lượng Công an xã là những người đầu tiên có mặt, tiếp sức hiệu quả, kịp thời cho chính quyền và nhân dân khi có tình huống mưa lũ xảy ra. Làm tốt công tác tư tưởng, giúp mỗi cán bộ, chiến sỹ, lãnh đạo các cấp Công an nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với nhân dân khi bão lũ về, thiên tai đến, từ đó chủ động ứng phó, bảo vệ an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho nhân dân trên địa bàn.
Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra, bên cạnh công tác ứng phó, cứu hộ, cứu nạn của Công an tỉnh cũng như các cơ quan ban, ngành, địa phương thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức, chủ động trong phòng chống bão lũ, thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng có kế hoạch ứng phó kịp thời.