Đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người

28/03/2024
Lượt xem: 675
Thời gian qua, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Vì vậy, cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong cuộc chiến chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Tại Bạc Liêu, tuy không có đường biên giới trên bộ với các nước, song tình trạng mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, các băng nhóm buôn người có sự câu kết chặt chẽ giữa đối tượng môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây phạm tội liên tỉnh, xuyên quốc gia. Với thủ đoạn giới thiệu “việc nhẹ, lương cao” hoặc mai mối “lấy chồng ngoại quốc”, nhiều thanh niên, phụ nữ, thậm chí có cả trẻ vị thành niên đã trở thành nạn nhân trong các đường dây buôn người. Nếu như trước đây các đối tượng tiếp cận, làm quen với nạn nhân theo hình thức trực tiếp gặp mặt thì hiện nay đã chuyển qua sử dụng các trang mạng xã hội để “bẫy con mồi”, sau đó lần lượt đưa họ đi qua từng mắt xích của đường dây đã được hình thành, hoạt động trơn tru từ trước.

Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm mua bán người thời gian qua, có thể xác định nạn nhân mà bọn buôn người nhắm tới thường là những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật; chị em phụ nữ có cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan; các bé gái ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Một số phương thức, thủ đoạn bọn buôn người thường sử dụng như: Kết nối Zalo, Facebook để dụ dỗ đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng; lập các nhóm kín “nhận con nuôi, mang thai hộ”; tìm kiếm “việc nhẹ lương cao”,… Sau khi con mồi “mắc bẫy”, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc tại các sòng bạc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê,… Khi nạn nân không chịu được bóc lột, chúng bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng bắt nhốt, đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.

Thừa ủy quyền, Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu trao Quyết định thưởng nóng của Bộ trưởng Bộ Công an cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh tội phạm môi giới xuất cảnh trái phép, triệt phá thành công đường dây mua bán người.
Thừa ủy quyền, Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu trao Quyết định thưởng nóng của Bộ trưởng Bộ Công an cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong đấu tranh tội phạm môi giới xuất cảnh trái phép, triệt phá thành công đường dây mua bán người.

 

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã đấu tranh, bóc gỡ 05 vụ mua bán người, bắt giữ 13 đối tượng có liên quan. Đặc biệt, mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã đấu tranh quyết liệt với băng nhóm tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, qua đó triệt phá thành công đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc. Theo nhận định, thủ đoạn tội phạm mua bán người không mới, nhưng tính chất, quy mô ngày càng phức tạp và có sự thay đổi trong phương thức hoạt động. Bên cạnh việc cấu kết, móc nối với các đối tượng nước ngoài để mua bán người xuyên quốc gia, hiện nay, một số đối tượng còn thực hiện hành vi mua bán ngay trong nước, thậm chí ngay tại địa phương, cụ thể là tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage có hành vi lừa gạt, cưỡng ép lao động, mua bán nhân viên,… đã bị cơ quan Công an điều tra, xử lý.

Điển hình, như trường hợp 01 nạn nhân của đường dây buôn người dưới chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu giải cứu thành công vào đầu tháng 9/2023 vừa qua. Theo đó, do hoàn cảnh cảnh gia đình khó khăn, vào giữa tháng 7/2023, anh G.Q.T (sinh năm 1981, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải) đi tìm việc làm và được giới thiệu làm quen với một người phụ nữ Myanmar tên Elly Sung, hứa sẽ lo toàn bộ chi phí xuất cảnh sang Myanmar làm việc với mức lương 30 triệu/tháng. Đến ngày 24/7/2023, theo lời hướng dẫn của Elly Sung, anh T. đã ra Hà Nội và tiếp tục được một người phụ nữ khác đưa sang Lào thông qua Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên), sau đó nhập cảnh trái phép vào Myanmar. Tuy nhiên, không phải làm việc tại công ty như thỏa thuận ban đầu, các đối tượng đã giam giữ anh T. tại một tòa nhà cao tầng chung với hàng chục lao động Việt Nam khác và ép buộc phải thực hiện công việc là tạo các tài khoản game ảo để lừa đảo tiền của người khác. Thấy việc làm trái pháp luật, anh T. không đồng ý thì bị chúng nhốt lại và đánh đập, bỏ đói trong nhiều ngày liền. Sau nhiều ngày bị giam giữ, anh T. đã bỏ trốn và liên hệ với gia đình để đến Công an tỉnh Bạc Liêu trình báo. Nhận được tin báo, ngày 25/8/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu nhanh chóng phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh để tiến hành giải cứu anh T. và đưa trở về tỉnh Bạc Liêu an toàn vào ngày 07/9/2023.

Một nạn nhân bị lừa bán sang Myanmar với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” được Công an tỉnh Bạc Liêu giải cứu vào đầu tháng 9/2023.
Một nạn nhân bị lừa bán sang Myanmar với thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao” được Công an tỉnh Bạc Liêu giải cứu vào đầu tháng 9/2023.

 

Có thể thấy, công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ khó khăn; tội phạm mua bán người không những để lại hậu quả, tổn thương nặng nề cho các nạn nhân mà còn tác động xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương. Do đó, thời gian tới, để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, cư trú, xuất nhập cảnh; tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây buôn người, kịp thời xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Song, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Quán triệt quan điểm phòng, chống mua bán người là một nội dung căn bản của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội như: vấn đề hỗ trợ việc làm, xóa đói giảm nghèo…

Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” hoặc vẻ hào nhoáng của cái gọi là “hôn nhân ngoại quốc”.
Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao cảnh giác của người dân trước những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” hoặc vẻ hào nhoáng của cái gọi là “hôn nhân ngoại quốc”.

 

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Đặc biệt, hãy “nghĩ trước, bước sau”, cân nhắc thật kỹ trước những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” hoặc vẻ hào nhoáng của cái gọi là “hôn nhân ngoại quốc” để tự bảo vệ chính mình trước “nanh vuốt” của bọn buôn người.

Trọng Nguyễn
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website