Nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả
Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan, ban ngành tỉnh Gia Lai đã phối hợp tổ chức tuyên truyền tập trung, tuyên truyền lưu động tại 900 lượt xã, phường, thị trấn; 2.502 lượt thôn, làng, tổ dân phố với trên 216.000 lượt công dân tham gia; đăng 586 lượt tin, bài tuyên truyền về Đề án 06, tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến; phát 4.525 lượt phát thanh trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn, truyền thanh lưu động.
Đơn cử tại TP. Pleiku, UBND thành phố đã thành lập 18 Tổ dân phố điện tử, 14 Khu dân cư điện tử hỗ trợ người dân tiếp cận các tiện ích số, nộp hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, thành lập tuyến phố không tiền mặt, Khu phố thanh toán không dùng tiền mặt, Chợ thanh toán không dùng tiền mặt; UBND huyện Đăk Pơ thành lập “Tổ Phụ nữ ứng dụng công nghệ 4.0”, vv...
Thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh đã triển khai, công bố 859 thủ tục hành chính tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương; 49 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06, Quyết định 422/QĐ-TTG và 206/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ; công bố 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất trên địa bàn tỉnh Gia Lai; triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID. Để khuyến khích Nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định về mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh với 8 lĩnh vực được giảm phí, lệ phí đến 50%.
|
Sở Y tế thực hiện cấp mã liên thông trên ứng dụng VNeID.
|
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện số hóa, tái sử dụng kết quả số hóa, kết nối, chia sẻ và sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Đơn cử như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Gia Lai phối hợp các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền về sản phẩm cho vay tín chấp không tài sản đảm bảo để người dân biết, tiếp cận, sử dụng. Đến nay, tổng dư nợ cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công trên 500 tỷ đồng. 172 tổ chức tín dụng ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước/căn cước công dân gắn chíp hoặc qua ứng dụng VneID. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục khai thác, sử dụng các hệ thống, thông tin phần mềm, cơ sở dữ liệu của ngành trong dạy, học và công tác quản lý, triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học; tuyển sinh đầu cấp qua dịch vụ công trực tuyến; tra cứu kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, v.v… Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở dữ liệu đất đai, tiếp tục triển khai công tác xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh với tiến độ đạt trên 71%. Sở Tư pháp hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch đạt 99%, tiếp tục triển khai làm sạch để sử dụng, cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân...
Còn ông Dương Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh cho biết: “Tiếp tục triển khai, thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch theo lộ trình tại Kế hoạch số 2433/KH-UBND ngày 09/12/2020 của UBND tỉnh về số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu hộ tịch, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đến ngày 30/11/2024, hoàn thành 100% nội dung số hóa. Về cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, Gia Lai đã triển khai chính thức vào ngày 8/11/2024, đến nay đã tiếp nhận trên 300 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, tỷ lệ tiếp nhận giải quyết cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua VneID đạt trên 70%”.
Tích cực chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực
Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã chú trọng đảm bảo được việc quản lý đăng ký xe theo biển số định danh. Đây là tiền đề để tiến tới việc tích hợp dữ liệu điện tử về đăng ký xe vào ứng dụng VNeID, giúp người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi tham gia giao thông cũng như thực hiện các thủ tục hành chính công khác trên môi trường điện tử. Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 4.819/4.855 trường hợp đăng ký thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công (chiếm tỉ lệ 99%) đối với 7 thủ tục đăng ký xe (đăng ký mới; đăng ký chuyển đến; cấp đổi, cấp lại đăng ký, biển số xe; sang tên, thu hồi, đăng ký tạm) và thủ tục cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Đồng thời số hóa 4.855/4.855 kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực giao thông cơ giới đường bộ.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh triển khai đăng ký xe lần đầu qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước cho công dân Việt Nam. Theo đó, từ ngày 01/8/2024, người dân có thể tự đăng ký, bấm số qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nhận biển số và đăng ký xe tại nhà. Đơn vị thực hiện 100% việc số hóa chứng từ nguồn phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước (phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng) và scan số khung, số máy lên hệ thống đăng ký xe trước khi thực hiện việc đăng ký biển số xe. Đây là một bước đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, góp phần cắt giảm thủ tục hành chính, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
|
Lãnh đạo Công an tỉnh kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án 06 ở cơ sở. |
Còn Sở Giao thông vận tải đã rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu Giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải. Đến làm thủ tục đăng kiểm xe, anh Lê Tiền Phong, ở Tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku vui vẻ nói: “Tôi thấy đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất thuận lợi, mới đây tôi truy cập ứng dụng VNeID thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe máy. Chỉ sau 3 ngày truy cập lại ứng dụng tôi thấy đã thực hiện thành công. Qua thông tin báo, đài tôi được biết sắp tới thẻ bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử được triển khai đồng bộ trên ứng dụng VNeID, điều này sẽ càng thuận thuận tiện cho người dân. Trong gia đình tôi mọi người đều đã cài đặt và sử dụng thành thạo tài khoản VNeID”.
Hiện tại, lực lượng Công an toàn tỉnh đã làm sạch dữ liệu hơn 1,7 triệu thông tin dân cư, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” khi kết nối, chia sẻ dữ liệu; cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư các dữ liệu thông tin liên quan đến người lao động, các tổ chức hội, đoàn thể, phương tiện giao thông, và các đối tượng an sinh xã hội…
Theo số liệu tại Cổng dịch vụ công tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 200.000 hồ sơ, số hồ sơ giải quyết sớm, đúng hạn chiếm tỷ lệ 97% trong năm 2024. Điển hình như Sở Tư pháp cấp tài khoản ký số cho UBND các xã, phường, thị trấn, triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, giảm thời gian cấp Phiếu Lý lịch tư pháp từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành tạo tài khoản cho các huyện, thị xã, thành phố truy cập vào dữ liệu phần mềm giải quyết mai táng phí lĩnh vực Người có công của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Giao thông vận tải phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh hỗ trợ người dân cấp đổi Giấy phép lái xe khi đi khám sức khỏe đổi giấy phép lái xe, Sở Tài nguyên và môi trường phân cấp cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thời gian giải quyết cho người dân… Sở Y tế thực hiện cấp 1.178 mã liên thông cho người kê đơn là y, bác sỹ và đưa hơn 2 triệu dữ liệu đơn thuốc lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia; các cơ sở khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu Giấy Chứng sinh, Giấy Chứng tử, Giấy khám sức khỏe lái xe, triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Toàn tỉnh có 252 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp (đạt tỷ lệ 100%), triển khai KIOSK y tế thông minh giúp người dân tiếp cận các tiện ích của Đề án 06, chuyển đổi số.
Từ ngày 1/7/2024, hồ sơ hai nhóm thủ tục hành chính liên thông liên quan đến đăng ký khai sinh và khai tử được tiếp nhận, giải quyết trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP. Việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông điện tử tại văn bản này có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật; không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức.
Từng bước khắc phục khó khăn, bất cập
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 69,4% người dân sử dụng Internet; 67,6% dân số trưởng thành sử dụng điện thoại di động, thiết bị thông minh; 58,3% dân số trưởng thành có tài khoản VNeID; 97,7% công dân có thẻ căn cước gắn chíp trên tổng số công dân đủ điều kiện.
Việc thực hiện Đề án 06 hiện gặp một số khó khăn, bất cập. Đơn cử là hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin. Một số khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, còn thiếu thiết bị và kết nối internet ổn định, ảnh hưởng đến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa quen với việc sử dụng công nghệ số, dẫn đến việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến gặp khó khăn. Đồng thời, việc thiếu hụt cán bộ có kỹ năng về công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng triển khai Đề án.
Nói về tình hình thực hiện Đề án 06 trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, Trung tá Huỳnh Thị Thu Phượng - Đội trưởng Đội Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh Công an tỉnh cho biết: “Trình độ công nghệ thông tin của công dân không đồng đều, chúng tôi đã cố gắng bố trí cán bộ để hướng dẫn công dân các thao tác nộp hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ công trực tuyến bước đầu đi vào vận hành chưa ổn định, đôi lúc bị lỗi... gây khó khăn trong quá trình xử lý hồ sơ cấp hộ chiếu cho công dân. Ngoài ra, một số công dân chưa đăng ký thuê bao điện thoại chính chủ hoặc thậm chí chưa có căn cước thì không đủ điều kiện để nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến”.
|
Cán bộ Công an phường hướng dẫn chủ khách sạn trên địa bàn TP. Pleiku khai báo lưu trú qua dịch vụ công trực tuyến. |
Mặt khác, một số người dân còn có tâm lý lo ngại cho vấn đề công tác bảo mật thông tin khi tham gia các dịch vụ công trực tuyến. Để bảo đảm an ninh an toàn dữ liệu trong quá trình khai thác dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với VNPT Gia Lai và các đơn vị liên quan khắc phục các lỗ hổng bảo mật; phối hợp kiểm tra, đánh giá an ninh mạng, an toàn thông tin của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để đảm bảo đủ điều kiện kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công an tỉnh phối hợp các đơn vị, địa phương rà soát, lập danh sách 1.392 tài khoản đăng ký khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng trong kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Đồng thời tiếp tục tham mưu triển khai các hoạt động tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng, không để lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, bí mật Nhà nước; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm về an toàn thông tin mạng. Đồng thời, Công an tỉnh đã tham mưu Ban chỉ đạo Đề án 06 tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban ngành khẩn trương hoàn thành số hóa, phối hợp với Công an tỉnh làm sạch dữ liệu và triển khai ngay dữ liệu đã được số hóa, làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Mặc dù còn một số khó khăn, bất cập về thủ tục pháp lý, nguồn lực, kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và vấn đề bảo mật, bảo đảm an ninh an toàn hệ thống dữ liệu, nhưng cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh vẫn đang tích cực, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án 06 với phương châm “bảy rõ: rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả”. Qua đó, sẽ đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp sớm được tiếp cận, sử dụng các tiện ích của các dịch vụ công thiết yếu, liên thông, góp phần xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đẩy nhanh chuyển đổi số của chính quyền và các lĩnh vực của đời sống xã hội; phấn đấu đạt chỉ tiêu phát triển Chính phủ số đến năm 2025 đạt tỷ lệ 100% các dịch vụ công trực tuyến theo quy định của pháp luật được thực hiện toàn trình.