Hỏi đáp trực tuyến

Phản ánh về việc Cảnh sát giao thông được phép mặc thường phục trong quá trình tuần tra kiểm soát

Người gửi: Cử tri tỉnh Tây Ninh

Cử tri phản ảnh Thông tư số 65/2012/TT-BCA của Bộ Công an có quy định về việc Cảnh sát giao thông được phép mặc thường phục trong quá trình tuần tra, kiểm soát. Quy định này làm không ít người dân lo ngại vì sẽ tạo điều kiện cho một số đối tượng xấu trong lực lượng Cảnh sát (hoặc không là Cảnh sát giao thông) lợi dụng gây sách nhiễu người vi phạm, thậm chí nhiều đối tượng có thể mạo danh Cảnh sát mặc thường phục để “làm luật” với người vi phạm giao thông, nhất là vào ban đêm. Cử tri kiến nghị quy định này cần phải thật chặt chẽ, cụ thể hơn.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 5880

Câu trả lời

Để tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 65/2012/TT-BCA, ngày 30/10/2012 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ. Trong đó, Điều 10 quy định về tổ chức tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang cụ thể sau:

1. Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

b) Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.

2. Thẩm quyền quyết định tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Điều kiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang

a) Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát;

b) Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ hóa trang (mặc thường phục) để giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi địa bàn được phân công. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật;

Bộ phận hóa trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một Tổ tuần tra, kiểm soát phải giữ một khoảng cách thích hợp để luôn có sự phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật;

c) Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trái quy định của pháp luật để sách nhiễu, phiền hà, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.
Như vậy, những quy định trên trong công tác tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang là rất rõ ràng và chặt chẽ; đồng thời cũng tạo điều kiện để người dân dễ dàng nhận biết, phát hiện đối tượng xấu giả danh Cảnh sát giao thông để vi phạm pháp luật và các trường hợp Cảnh sát giao thông lợi dụng gây sách nhiễu với người vi phạm. 
 

Người trả lời: Bộ Công an