Giải mã “nút thắt” trong các vụ án

19/07/2022
Lượt xem: 2147
Việc tìm dấu vết tại hiện trường đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó, tận tụy của cán bộ kỹ thuật hình sự để tiến hành một cách tỉ mỉ, chính xác. Có những vụ án, công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn, nhưng từ kết quả khám nghiệm đã từng bước giúp Cơ quan điều tra tháo gỡ nút thắt, làm rõ chân tướng. Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tiền Giang cũng là một trong những điển hình như thế.


Năm 2021, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Tiền Giang đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xác định 1.482 vụ có dấu hiệu tội phạm, vi phạm. Các vụ việc đều xác định rõ nguyên nhân, tính chất; dấu vết, vật chứng quan trọng có liên quan ở hiện trường đều được phát hiện, thu lượm, phục vụ tốt cho công tác điều tra và chứng minh tội phạm. Kết quả công tác khám nghiệm hiện trường phục vụ kịp thời cho Cơ quan điều tra truy xét nhanh nhiều vụ án nghiêm trọng, điển hình là 15 vụ giết người xảy ra trên địa bàn tỉnh. Phòng Kỹ thuật hình sự đã thực hiện giám định 28 vụ liên quan súng, đạn do Cơ quan điều tra Công an các đơn vị, địa phương trưng cầu và kết luận 28 vụ có dấu hiệu vi phạm, phạm tội. Trong công tác giám định kỹ thuật số và điện tử, đã tiếp nhận và giám định 58 vụ, kết luận đều có dấu hiệu tội phạm, vi phạm, phục vụ tốt cho công tác điều tra, trinh sát và trong các chuyên án…
 

Công tác giám định súng đạn hỗ trợ cho Cơ quan điều tra trong việc khám phá án, xác định tội phạm.


Điển hình như vụ việc vào khuya 11/3/2021, trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) xảy ra vụ án mạng. Nạn nhân là chị V.T.M. (sinh năm 1978, ngụ huyện Cai Lậy). Thời điểm trên, chị M. lái xe máy chở ông T.V.Đ. (sinh năm 1962, ngụ huyện Cái Bè), lưu thông theo hướng từ Cai Lậy đi Cái Bè. Chị M. vừa lái xe máy qua cầu Bà Tồn khoảng 200m, bất ngờ có 02 thanh niên đi xe máy vượt lên, ép sát. Người ngồi sau cầm dao đâm vào người chị M., khiến chị loạng choạng tay lái ngã xuống đường. Nạn nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong.

Đại tá Nguyễn Văn Ngon, Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, sau khi nhận được trưng cầu của Cơ quan điều tra, đơn vị tổ chức khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường. Vụ án xảy ra vào đêm khuya, hiện trường không có dấu vết của thủ phạm nên việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Nhận định vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo xác lập chuyên án truy xét. Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra làm Trưởng Ban, tập trung lực lượng truy bắt thủ phạm.

Kết quả điều tra, trước khi bị đâm trên quốc lộ 1, nạn nhân vừa rời khỏi Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy. Phòng Kỹ thuật hình sự phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an các địa phương trích xuất dữ liệu hệ thống camera tại bệnh viện, khu vực xung quanh và trên tuyến đường nạn nhân đi qua. Sau khi trích xuất dữ liệu và phân tích, giám định viên phát hiện đối tượng nghi vấn xuất hiện trong khoảng thời gian nạn nhân có mặt tại bệnh viện. Trong các đối tượng nghi vấn, một trường hợp (sau này xác định là Huỳnh Đức Trọng, sinh năm 1984) đã đến gặp người nghi là Giám đốc bệnh viện (bác sĩ Nguyễn Văn Ngưu, sinh năm 1964).

Từ thông tin do Phòng Kỹ thuật hình sự cung cấp, Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo cơ quan điều tra khoanh vùng nhóm đối tượng nghi vấn, tiến hành điều tra khám phá vụ án. Sau thời gian tích cực điều tra, ngày 08/4/2021, Cơ quan điều tra có đủ chứng cứ xác định Ngưu là chủ mưu đã thuê Huỳnh Đức Trọng, Lê Quốc Đạt (sinh năm 1987) và Nguyễn Ngọc Hậu (sinh năm 1996, tất cả cùng ngụ tỉnh Tiền Giang) thực hiện hành vi giết người.

Nguyễn Văn Ngưu nghi ngờ vợ là N.T.T.T. (sinh năm 1972) có quan hệ tình cảm với người khác nên thuê người theo dõi và phát hiện vợ có quen biết ông Đ,. Hôm xảy ra vụ án, bà T. đi nhậu và gặp tai nạn nên được đưa đến bệnh viện. Ngưu trong ca trực nên trực tiếp sơ cứu vết thương cho vợ và vô tình phát hiện ông Đ. đang ở khu vực cổng bệnh viện nên nảy sinh ý định trả thù. Ngưu gọi Trọng đến gặp, thuê trả thù ông Đ. Trọng gọi điện thoại cho Đạt và Hậu. Chị M. sau khi đưa bà T. vào bệnh viện đã ra cổng chở ông Đ. rời đi. Đạt và Hậu liền bám theo. Thay vì đâm ông Đ., Đạt đâm nhầm chị M., khiến nạn nhân tử vong. Gây án xong, cả hai tẩu thoát về hướng Cái Bè. Sau khi được Trọng thông báo đâm nhầm người, Ngưu yêu cầu vứt bỏ sim điện thoại, quần áo, vật chứng và lánh mặt hòng che giấu hành vi phạm tội. Tuy nhiên, cả 04 người lần lượt bị Cơ quan điều tra bắt giữ và thừa nhận hành vi phạm tội. 
 

Cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường vụ án giết người xảy ra tại huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang).


Theo Đại tá Nguyễn Văn Ngon, mỗi vụ án xảy ra đều có tính chất khác nhau, dấu vết để lại cũng khác nhau và vô cùng phức tạp. Vì vậy, công tác khám nghiệm hiện trường ban đầu là quan trọng nhất, bước điều tra không thể thiếu để xác định đúng tính chất vụ án, giúp Cơ quan điều tra xác định có tội phạm hoặc không có tội phạm. Đại tá Nguyễn Văn Ngon dẫn chứng vụ việc xảy ra tại xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Khoảng 6h sáng, người dân phát hiện thi thể ông T.V.T. (sinh năm 1966, ngụ địa phương) trên bờ kênh Ngàn. Qua công tác khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, xác định đây là vụ án giết người. Nơi phát hiện thi thể không phải là hiện trường chính. Qua xác minh, ông T. thường xuyên nhậu nhẹt và bạo hành gia đình. Người vợ nghĩ quẩn đã siết cổ chồng tới chết rồi đưa thi thể lên xuồng chở đến bờ kênh, lấy bùn non thoa lên nhằm tạo hiện trường giả rằng nạn nhân đi nhậu lội qua bờ kênh và sau đó nằm chết trên bờ.

“Mục đích của công tác bảo vệ và khám nghiệm hiện trường không những phát hiện, thu lượm dấu vết, vật chứng làm chứng cứ pháp lý mà còn thể hiện ở việc kịp thời rút ra những thông tin cần thiết từ phản ánh vật chất tại hiện trường, vạch hướng cho công tác điều tra, truy xét thủ phạm”, Đại tá Nguyễn Văn Ngon chia sẻ.

Công tác bảo vệ và khám nghiệm hiện trường còn có giá trị phân tích, tổng hợp và sắp xếp những dấu vết, vật chứng thu được thành hệ thống, phản ánh quá trình gây án, tạo cơ sở định hướng cho việc tiến hành các biện pháp điều tra, góp phần quan trọng vào tỷ lệ khám phá án, nhất là các vụ án chưa rõ thủ phạm.

Vụ nổ súng xảy ra trong hẻm Lê Lâm (TP Mỹ Tho) vào cuối năm 2020 cũng là một điển hình. Vụ án liên quan đến 02 nhóm thanh niên, 19 người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “Giết người”; “Gây rối trật tự công cộng”; “Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”...

Phạm Trần Trung Kiên (sinh năm 1996) có bạn gái làm ở karaoke XO (TP Mỹ Tho) xảy ra mâu thuẫn với nữ đồng nghiệp. Kiên và Nguyễn Văn Nhựt (sinh năm 1990) có ý định gặp mặt nữ tiếp viên này hòa giải. Sau khi biết nữ tiếp viên có bạn trai liên quan đến nhóm giang hồ ở TP Mỹ Tho, Kiên và Nhựt đến nhà Nguyễn Ngọc Tuấn Đăng (sinh năm 1991) hỏi mượn 05 khẩu súng (trong đó 03 khẩu sau này giám định có tính năng tương tự vũ khí quân dụng). Cả nhóm mang súng về nhà trọ ở xã Đạo Thạnh để chuẩn bị thì Nhựt xảy ra mâu thuẫn với Nguyễn Minh Tân (sinh năm 2001, cùng ngụ Tiền Giang). Hai nhóm hẹn gặp mặt tại nhà của Đăng. Khuya hôm đó, người trong nhóm của Tân cũng mang theo súng và chạm mặt đối phương ở nhà Đăng. Trong lúc nổ súng, Kiên đứng phía sau đã vô tình bắn trúng vào đầu Đăng, khiến nạn nhân tử vong.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường, hiện trường khám nghiệm vụ nổ súng xảy ra trong hẻm Lê Lâm rất rộng, phức tạp và bị xáo trộn, đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mỉ, làm rõ từng khu vực. Nhờ công tác khám nghiệm kịp thời và nhận xét đúng tính chất sự việc, Phòng Kỹ thuật hình sự đã giúp Cơ quan điều tra xác định đúng đối tượng nổ súng bắn chết nạn nhân. “Khi công tác khám nghiệm kết thúc, hội đồng họp, nhận xét, đánh giá tính chất vụ việc. Phòng Kỹ thuật hình sự đã có nhận định đánh giá chính xác về tính chất vụ án, hỗ trợ Cơ quan điều tra xác minh làm rõ đối tượng gây án”, Trung tá Nguyễn Văn Tài chia sẻ.
 

Văn Vĩnh – Quang Minh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website