Từ khi thành lập đến nay, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát (trước đây), sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị trong và ngoài ngành Công an, sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, thống nhất trong toàn đơn vị và sự giúp đỡ của Nhân dân, Cục Cảnh sát kinh tế đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc toàn diện trên các mặt công tác.
Với vai trò là lực lượng “chủ công”, “mũi nhọn”, “đi đầu” trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục Cảnh sát kinh tế đã bám sát chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chủ động nghiên cứu đưa ra nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo, kiên trì, quyết liệt phù hợp với tình hình thực tiễn; nhất là đổi mới nhận thức và thực hiện công tác nghiệp vụ theo lĩnh vực xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở; từ “diện” đến “điểm”; đã nhận diện, dự báo sát, trúng, đúng tình hình và triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, đột phá vào các khâu, mắt xích trọng yếu, phát hiện, xử lý sai phạm trong nhiều lĩnh vực, vấn đề dư luận bức xúc theo từng chuyên đề, lĩnh vực ở từng thời điểm.
Cục Cảnh sát kinh tế cũng là đơn vị đầu tiên triển khai chuyển hướng công tác điều tra cơ bản từ địa bàn sang lĩnh vực xuyên suốt, từ Trung ương đến cơ sở. Do đó đã chủ động nhận diện những bất ổn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm để tổ chức phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Đồng thời qua công tác nghiệp vụ đã trực tiếp phát hiện, điều tra làm rõ hàng nghìn vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; thu hồi cho nhà nước, tập thể hàng trăm nghìn tỷ đồng ở nhiều lĩnh vực kinh tế trọng điểm của đất nước như ngân hàng, tài chính, giao thông, xây dựng, bất động sản, xăng dầu, cổ phần hóa, đấu thầu, đấu giá tài sản công, y tế, giáo dục…Trong đó có nhiều vụ án, vụ việc có ý nghĩa rất lớn về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội - đối ngoại của đất nước.
|
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Tô Lâm gắn Huân chương Quân công hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng. (ảnh tư liệu ngày 10/8/2016) |
Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, Cục Cảnh sát kinh tế đã trực tiếp phát hiện, điều tra làm rõ 653 vụ án, 1.514 bị can về tội tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; trong đó khởi tố, điều tra 95 vụ án, 774 bị can thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (chiếm 80% tổng số vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ khi tái thành lập năm 2013 đến nay); thu hồi tài sản cho Nhà nước với tổng trị giá gần 100.000 tỷ đồng. Quá trình điều tra các vụ án đã nhận diện, xác định đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu để tập trung đấu tranh, triệt phá, làm rõ, xử lý nghiêm minh, có tác dụng lan tỏa “Xử lý một vụ có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Điển hình như trên lĩnh vực tài chính, trước tình trạng “đô la hóa”, “vàng hóa” nền kinh tế năm 2011, làm cho lạm phát tăng cao (ở mức 2 con số) đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô, Cục Cảnh sát kinh tế đã chủ động, kịp thời tham mưu các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn và trực tiếp bắt giữ, xử lý 2 vụ mua bán trái phép gần 1 triệu USD đã tác động mạnh, kiểm soát tốt “thị trường ngoại tệ tự do”, làm lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
Trên lĩnh vực ngân hàng, qua điều tra vụ án Nguyễn Đức Kiên, Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh... là những đối tượng điển hình, cầm đầu, đã kịp thời ngăn chặn hành vi phi pháp nhằm mục đích thâu tóm, lũng đoạn ngân hàng thương mại cổ phần, phục vụ cho lợi ích nhóm, thao túng thị trường tài chính - tiền tệ, đe dọa nghiêm trọng sự an toàn, an ninh hệ thống tài chính - tiền tệ và nền kinh tế. Đây cũng là lần đầu tiên việc điều tra, xử lý 1 vụ án kinh tế được nêu trong văn kiện của Trung ương (Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI của Đảng), được Đài Tiếng nói Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu năm 2014.
Trên lĩnh vực viễn thông, lực lượng Cảnh sát kinh tế Bộ Công an đã phát hiện, điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone liên quan đến mua Công ty truyền thông AVG đã thu hồi triệt để tài sản thất thoát cho Nhà nước (hơn 8.000 tỷ đồng), qua đó kiến nghị chấn chỉnh hoạt động cổ phần hóa, đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước.
|
Lực lượng Cảnh sát kinh tế triệt phá vụ án buôn lậu ngà voi, sừng tê giác với số lượng rất lớn. |
Trên lĩnh vực giao thông, qua điều tra các vụ vụ án xảy ra tại Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Dự án Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã tham mưu và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, rà soát, phòng ngừa sai phạm trong đầu tư, xây dựng (nhất là việc chia nhỏ gói thầu); qua việc nhanh chóng khám phá vụ án lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ để trục lợi của cán bộ chủ chốt tại Ban Quản lý dự án đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải, đã làm minh bạch hóa hoạt động đầu tư, giúp Chính phủ đàm phán nối lại Viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam.
Mới đây nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục. Qua phát hiện, điều tra hàng loạt các vụ án tại Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Y tế, Bệnh viện, Trung tâm y tế của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đã tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, phòng ngừa vi phạm trong đầu tư, mua sắm thiết bị giáo dục, y tế… Cùng với việc liên tiếp phát hiện, triệt phá các vụ án, tổ chức, đường dây tội phạm lớn như vụ án gây thất thoát 2.000 tỷ đồng trong cổ phần hóa, thoái vốn tại Tổng công ty sản xuất XNK Bình Dương; vụ khai thác trái phép 2 triệu tấn than tại Thái Nguyên; vụ sản xuất, buôn bán hơn 10 triệu cuốn sách giáo khoa giả tại Hà Nội; vụ buôn lậu 400 tấn hàng hóa tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh; vụ buôn lậu 160 tấn nguyên liệu thuốc bắc tại Lạng Sơn; vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới hàng chục nghìn tỷ đồng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam… đã góp phần răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
|
Lực lượng Cảnh sát kinh tế là đơn vị có truyền thống quý báu, bề dày thành tích. |
Từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người và tác động nặng nề đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn này, việc tập trung phòng, chống dịch bệnh và khám chữa bệnh bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, hoạt động đầu tư mua sắm vật tư trang thiết bị y tế, giáo dục lại càng là yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã tiềm ẩn phát sinh nhiều sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách của nhà nước và chi phí khám chữa bệnh của người dân.
Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát kinh tế đã chủ động nhận diện, xác định phương thức, thủ đoạn phạm tội và tập trung lực lượng, xác định mắt xích trọng yếu, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đánh trúng, điều tra làm rõ nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trong những lĩnh vực nhạy cảm mà dư luận bức xúc lâu nay như hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, quản lý đất đai… để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm, góp phần răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung. Chỉ trong 2 năm (2020 - 2021), Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an đã liên tiếp phát hiện, khởi tố 20 vụ án lớn liên quan đến hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, quản lý đất đai; trong đó có nhiều vụ án xảy ra trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều sai phạm, dư luận bức xúc lâu nay như y tế, giáo dục, đất đai…
|
Năm 2022, Cục Cảnh sát kinh tế vinh dự là một trong 3 đơn vị thuộc Bộ Công an được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Qua điều tra các vụ án đã kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, công tác quản lý nhà nước để tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách và kiến nghị các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh, khắc phục để tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trên địa bàn cả nước.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7-2022), Cục Cảnh sát kinh tế là một trong 3 đơn vị của Bộ Công an vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.