Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”

02/05/2024
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), tối 02/5/2024, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, Bộ Công an tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.

Dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các cựu chiến binh, các nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ có nhiều cống hiến và có tác phẩm nghệ thuật về chiến dịch Điện Biên Phủ, đông đảo khán giả ở trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân (CAND).

Các đại biểu dự chương trình.
Các đại biểu dự chương trình.


Chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” do Cục Công tác đảng và công tác chính trị chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm thực hiện với sự tham gia biểu diễn của gần 300 nghệ sĩ, cán bộ, chiến sĩ đến từ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc CAND và Đoàn nghi lễ CAND. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình CAND – kênh ANTV. 

“Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” là câu chuyện lịch sử được viết nên bằng âm nhạc. Đến với chương trình, khán giả được sống lại không khí của “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, để hiểu hơn về những đóng góp của lực lượng Quân đội, Công an trong “9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, để càng thấy yêu tổ quốc Việt Nam hơn và trân trọng những giá trị của độc lập, tự do, hòa bình mà ông cha ta đã phải đánh đổi bằng xương máu.

Đây cũng là chương trình hiếm hoi có nhiều tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc về Điện Biên Phủ được viết ngay trên chiến trường hoặc giai đoạn sau này cùng được phối khí mới cho dàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, dàn nhạc kèn biểu diễn.

tác phẩm “Tiến quân ca” dưới sự thể hiện của dàn đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng
Tác phẩm “Tiến quân ca” dưới sự thể hiện của dàn đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng.


Mở màn là tác phẩm “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao – một tác phẩm vô cùng quen thuộc với bất kỳ người Việt Nam nào. Nhưng tại đây, người yêu âm nhạc có dịp thưởng thức tác phẩm này qua phần thể hiện của dàn đại hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng Lê Phi Phi – con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – người phối khí “Tiến quân ca” cho chương trình lần này, đây là bản phối cho dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng 4 bè, đồng thời là bản hoàn chỉnh nhất, có sự cân bằng giữa giai điệu và phần hòa thanh, phần đệm và bè trầm… nhằm tạo ra hiệu quả nghệ thuật cao nhất.

không gian Nhà hát Hồ Gươm ngập tràn không khí hân hoan, tưng bừng, mừng chiến thắng với tác phẩm “Chiến thắng Điện Biên”
Không gian Nhà hát Hồ Gươm ngập tràn không khí hân hoan, tưng bừng, mừng chiến thắng với tác phẩm “Chiến thắng Điện Biên”.


Ngay sau “Tiến quân ca”, không gian Nhà hát Hồ Gươm ngập tràn không khí hân hoan, tưng bừng, mừng chiến thắng với tác phẩm “Chiến thắng Điện Biên” – một sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Tác phẩm từng được trao Giải Nhì tại Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954, cũng rất quen thuộc với số đông công chúng. Chương trình lần này sử dụng bản phối đặc biệt của nhạc sĩ  Đỗ Hồng Quân dành cho dàn nhạc kèn của Đoàn Nghi lễ CAND với nhiều sáng tạo mới, tạo nên bầu không khí đặc biệt của ngày chiến thắng. 

Ngay sau 2 tác phẩm mở màn, phần I của chương trình với chủ đề “Chiến thắng” đã đưa khán giả đến với các tác phẩm âm nhạc từng đạt giải trong Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954 đã được các nhạc sĩ phối khí mới hoàn toàn: “Quê tôi giải phóng” của nhạc sĩ Văn Chung; “Mùa lúa chín” của nhạc sĩ Hoàng Việt; “Hò kéo pháo” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Dịp này, khán giả cũng gặp lại ca sĩ Phạm Thu Hà – “họa mi bán cổ điển” với ca khúc quen thuộc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Tốp ca nam Nhà hát Ca múa nhạc CAND cũng tái xuất với ca khúc “Bác đang cùng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục.

Tác phẩm “Quê tôi giải phóng” được ca sĩ Đào Tố Loan cùng giàn nhạc thể hiện rất thành công.
Tác phẩm “Quê tôi giải phóng” được ca sĩ Đào Tố Loan, NSƯT Tuyết Mai cùng Hợp xướng và Dàn nhạc Giao hưởng thể hiện rất thành công.


Tại phần II có chủ đề “Hồi tưởng”, các nghệ sĩ tiếp tục đưa khán giả trở lại một trang trong lịch sử âm nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm âm nhạc có giai điệu hào hùng. Trong đó, bản Fantasie trên chủ đề “Mừng chiến thắng Tây Bắc” – tác phẩm của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng, từng đạt Giải Nhì tại Đại hội Văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954, đã mang đến nhiều bất ngờ với người yêu âm nhạc. Theo thông tin từ Ban tổ chức, nhà soạn nhạc tài năng đến từ Macedonia - Diran Tavityan đã viết bản Fantasie trên chủ đề “Mừng chiến thắng Tây Bắc” cho piano và dàn nhạc, như một lời cảm kích trước lịch sử và con người của dân tộc Việt Nam. Biểu diễn tác phẩm này có nữ nghệ sĩ piano tài năng Bích Trà – con gái của NSND Trà Giang.

lại ca sĩ Phạm Thu Hà – “họa mi bán cổ điển” với ca khúc quen thuộc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.
Ca sĩ Phạm Thu Hà – “họa mi bán cổ điển” với ca khúc quen thuộc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.
Tác phẩm "Hò kéo pháo" được NSƯT Nguyễn Huy Đức và Hợp xướng A cappella thể hiện.
Tác phẩm "Hò kéo pháo" được NSƯT Nguyễn Huy Đức và Hợp xướng A cappella thể hiện.


Cũng trong phần II này, khán giả tiếp tục “gặp lại” những cây đa, cây đề của âm nhạc cách mạng: Nhạc sĩ Hoàng Vân với tác phẩm “Người chiến sĩ ấy” và nhạc sĩ Đỗ Nhuận với “Du kích sông Thao”. Người yêu âm nhạc còn có dịp thưởng thức tác phẩm giao hưởng - hợp xướng “Điện Biên Phủ” của nhạc sĩ Hoàng Vân tại Nhà hát Hồ Gươm, với dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng lớn. Tiết mục hoành tráng và ấn tượng này cũng đồng thời khép lại chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, đồng thời thêm một lần nữa khẳng định, bằng ngôn ngữ âm nhạc, về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ - trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng hoa các nghệ sĩ sau chương trình.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng hoa các nghệ sĩ sau chương trình.


Sau thành công của đêm thứ nhất, chương trình “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ tiếp tục được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm vào tối 3/5/2024.

Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu tham quan triển lãm tác phẩm của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân.
Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu tham quan triển lãm các tác phẩm của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân.


*Cùng với chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”, tại Nhà hát Hồ Gươm, Ban tổ chức đã triển lãm khoảng 20 tác phẩm của họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân. Đây là các tác phẩm được ông vẽ trong những tháng ngày cùng các họa sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Kim Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website