Ứng dụng ngay dữ liệu dân cư để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, phục vụ kinh tế - xã hội.

14/02/2022
Đó là khẳng định của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo của Bộ Công an thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), tổ chức chiều ngày 14/02/2022, tại Hà Nội.

Tham dự cuộc họp có Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ, thành viên Ban chỉ đạo Đề án 06.

Bộ trưởng Tô Lâm, Trưởng ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.

 

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, toàn lực lượng Công an nhân dân đã ghi dấu ấn rất lớn bước đầu khi hoàn thành 2 dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân, đặt một dấu mốc mới để thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Với Đề án 06 này, chúng ta ứng dụng ngay dữ liệu dân cư để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, phục vụ kinh tế - xã hội, thể hiện tinh thần cống hiến và trách nhiệm cao của lực lượng Công an.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Theo đó, Ban chỉ đạo gồm 24 thành viên do Bộ trưởng Tô Lâm làm Trưởng Ban chỉ đạo; Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc là Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo; Thứ trưởng Lương Tam Quang và Thứ trưởng Lê Quốc Hùng là Phó trưởng Ban chỉ đạo.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an đọc Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ Công an thực hiện Đề án 06.

 

Ban chỉ đạo Đề án 06 là sự kế thừa và tiếp tục phát triển của Ban chỉ đạo 82 về thực hiện 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân trong năm 2020 và 2021. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Đề án 06 nhằm phổ biến quán triệt những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó 3 nhiệm vụ chính là: (1) Chỉ đạo thực hiện thực hiện có hiệu quả Đề án 06 trong Công an nhân dân và tham mưu cho Chính phủ thực hiện tốt Đề án này; (2) Chỉ đạo lực lượng Công an gương mẫu đi đầu trong thực hiện Đề án, nhất là các dịch vụ công trực tuyến; (3) Tiếp tục duy trì thực hiện những nội dung cơ bản của 2 dự án dân cư và căn cước, đáp ứng cao nhất cho các yêu cầu thực hiện Đề án 06.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ngày 11/02/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-BCA-C06-V01 xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm, 63 nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm rõ cho Công an các đơn vị, địa phương thực hiện kèm theo mốc thời gian phải hoàn thành. Với tính chất công việc cấp bách, nên nhiều nhiệm vụ đã được Cơ quan Thường trực làm xuyên Tết và hoàn thành theo đúng tiến độ.

Toàn cảnh cuộc họp.

 

Trình bày báo cáo tóm tắt tại cuộc họp, Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, đến nay Bộ Công an đã hoàn thành việc tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân (9 số) với Căn cước công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu thuế phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế.

Về triển khai dịch vụ công trực tuyến, Bộ Công an đã tích hợp 11 dịch vụ trong lĩnh vực cư trú và 02 dịch vụ công của Căn cước công dân lên Cổng dịch vụ công của Bộ Công an và Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai mức độ 3 với 100% dịch vụ công của Căn cước công dân; phối hợp với các doanh nghiệp như BIDV, VnPost, VNPT, Gtel… để triển khai các dịch vụ công trực tuyến.

Kết quả triển khai các nhiệm vụ phục vụ các nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư… cũng đã được trình bày tại cuộc họp.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, chia sẻ những vấn đề khó khăn trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất các giải pháp để triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc (trái) và Thứ trưởng Lê Quốc Hùng (phải) phát biểu tại cuộc họp.


Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng biểu dương các cơ quan thường trực đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án 06 và khẩn trương tham mưu triển khai thực hiện ngay, gương mẫu đi đầu và tạo được những kết quả bước đầu tích cực. Tuy nhiên, kiểm điểm về các công việc, Bộ trưởng lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo về nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, khó khăn với áp lực lớn về thời gian, tiến độ và chất lượng.

Bộ trưởng đề nghị, trước hết, cần phải thống nhất nhận thức rõ tầm quan trọng của Đề án 06 để từ đó có có cách làm phù hợp, thực hiện tốt đề án này mang lại hiệu quả rất lớn cho đất nước, cho người dân và doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vừa mang lại sự hiệu quả hơn trong công tác của lực Công an. Vì vậy, Công an các đơn vị, địa phương từ Bộ đến cấp xã phải thống nhất nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và xác định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan của Đề án này.

Về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Công an, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, Thủ trưởng các đơn vị bám sát những nhiệm vụ được phân công, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ, thể hiện đúng tinh thần gương mẫu, đi đầu của lực lượng Công an nhân dân trong thực hiện Đề án.

Trong đó, cần đặc biệt lưu ý bảo đảm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống” hàng ngày; 100% công dân đều được thông báo mã số định danh cá nhân và 100% công dân đủ tuổi đều được cấp thẻ căn cước.

Ngoài ra, cần sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý phục vụ thực hiện Đề án, trọng tâm là trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và Nghị định về định danh và xác thực điện tử; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu trong quá trình thực hiện Đề án; tập trung thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân;…

Về công tác chỉ huy, chỉ đạo, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần chỉ đạo quyết liệt thực hiện Đề án này như Ban chỉ đạo 82 trước đây. Từng đồng chí được phân công nhiệm vụ có trách nhiệm xuyên suốt từ đầu đến cuối trong các chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ được phân công; những nội dung liên quan đến đơn vị khác thì chủ động phối hợp để thực hiên; những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thường trực ban chỉ đạo, Phó Trưởng ban chỉ đạo, đồng chí Trưởng ban hoặc tập thể Ban Chỉ đạo quyết định.

Tiến Dũng
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website