|
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga (áo dài xanh) cùng các đại biểu tham dự buổi Lễ. |
Tối 29/7/2022, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người nhằm hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2022. Lễ phát động nhằm lan tỏa thông điệp, khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người.
Tham dự Lễ phát động có Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP; đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Cùng dự còn có các thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Hội LHPN TP Hà Nội; các tổ chức quốc tế có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Mua bán người luôn là vấn đề nóng, không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Theo báo cáo về tình trạng mua bán người của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc năm 2018, cứ 10 nạn nhân được phát hiện thì có 7 nạn nhân là nữ, trong đó có 5 phụ nữ và 2 trẻ em gái.
|
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc chương trình. |
Số nạn nhân mua bán người tăng lên hàng năm, từ dưới 20.000 người năm 2003 đến khoảng 49.000 người năm 2018. Số nạn nhân nữ chiếm khoảng 65% (trong đó 19% là trẻ em gái) với nhiều hình thức bị mua bán, trong đó 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.
Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người. Đáng chú ý, không chỉ có trẻ em mà cả người lớn cũng bị lừa bán từ các mối quan hệ trên mạng xã hội. Nạn nhân đã bị mua bán bằng những thủ đoạn tinh vi, dẫn đến bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn ngoài ý muốn… Những hành vi này ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, gây nên những bất ổn trong xã hội.
|
Đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an; Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội LHPN Việt Nam tham gia tọa đàm tại chương trình. |
Chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm nay được Liên hợp quốc xác định là "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” nhằm khuyến nghị các quốc gia tăng cường hoạt động phòng ngừa và nâng cao nhận thức về sử dụng Internet và mạng xã hội an toàn, giúp giảm nguy cơ mua bán người trên không gian mạng, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm phát triển các giải pháp bền vững dựa trên công nghệ để hỗ trợ phòng, chống mua bán người.
Theo thống kê, đầu năm 2022, Việt Nam có gần 77 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 78,1% dân số, tăng 5 triệu người so với năm 2021; 97,6% người dùng Internet ở Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội Facebook và tỷ lệ phụ nữ dùng Facebook là 50,9%. Đây vừa là cơ hội cho phụ nữ tiếp cận nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành nạn nhân của nhiều loại hình tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet và mạng xã hội một cách an toàn.
Công tác phối hợp giữa Hội LHPN Việt Nam với các bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức quốc tế, đặc biệt với Bộ Công an trong các hoạt động phòng, chống mua bán người tại Trung ương và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn thông qua việc tiếp tục ký kết và triển khai, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình phối hợp... Những nỗ lực của Hội LHPN, lực lượng Công an, chính quyền các cấp, các ngành đã góp phần tích cực vào kết quả của chương trình phòng, chống mua bán người trong thời gian qua.
|
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát động chung tay, phòng chống mua bán người. |
Phát biểu phát động “Chung tay phòng, chống mua bán người”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng và diễn biến tinh vi, phức tạp của tội phạm mua bán người, xâm hại đến những quyền cơ bản nhất của con người, tác động trở ngại đến nhiều mặt của đời sống xã hội và trở thành mối quan tâm của tất cả người dân.
Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch quan trọng về phòng, chống tội phạm mua bán người; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiên quyết đẩy lùi tội phạm mua bán người, góp phần thực hiện mục tiêu “bảo vệ an ninh con người” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: "Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, công tác phòng ngừa xã hội, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người được đặc biệt chú trọng".
|
Chương trình văn nghệ do các nghệ sĩ của Nhà hát Công an nhân dân thực hiện. |
Công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện. Nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài, trong nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ 66 nạn nhân bị mua bán.
Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương. Điển hình, Việt Nam đã ký kết, triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan; thực hiện Bản ghi nhớ với Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người; tham gia tích cực vào các tiến trình khu vực, quốc tế về di cư và mua bán người như: Diễn đàn toàn cầu về Di cư và phát triển; Tiến trình Bali; Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mekong; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người.... qua đó, thể hiện cam kết, nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống mua bán người, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người ra khỏi đời sống xã hội, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Đánh giá và dự báo tình hình trong nước, khu vực, quốc tế có những tác động, ảnh hưởng tới hoạt động của tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ đề ra và chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2022 là “Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” để tiếp tục hành động, triển khai hiệu quả các mặt công tác phòng, chống mua bán người.
|
Tiểu phẩm kịch ngắn "Đèn đỏ" với nội dung tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người tại buổi Lễ. |
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Cụ thể, các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn; nhiệm vụ phòng, chống mua bán người phải là một nội dung thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
“Phòng, chống mua bán người phải là một nội dung căn bản của công tác phòng, chống tội phạm và lồng ghép vào trong các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, trong giải quyết những vấn đề cơ bản về an sinh xã hội, an dân như vấn đề về hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,...”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thời lượng, tần suất thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người,... để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Cùng với đó, mỗi người dân cần tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung triển khai quyết liệt các phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; nhanh chóng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người.
Thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý cư trú; quản lý biên giới, cửa khẩu; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý Nhà nước về hoạt động cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài,… và ứng dụng, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm chủ động từ khâu phòng ngừa, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn tội phạm mua bán người.
Tiếp tục tăng cường, chú trọng phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, nhất là trong công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các cá nhân cho công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
“Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; sự phối hợp, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, cùng sự tham gia tích cực và ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, bằng sự quyết tâm và đoàn kết, Việt Nam cương quyết đẩy lùi tội phạm mua bán người ra khỏi đời sống - xã hội, xây dựng xã hội “trật tự, kỷ cương” theo đúng tinh thần mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc tin tưởng.
|
Các đại biểu thực hiện nghi thức cam kết chung tay phòng, chống mua bán người. |
Trong khuôn khổ buổi Lễ, các đại biểu đã tham quan triển lãm nghệ thuật tuyên truyền về phòng, chống mua bán người với chủ đề “Đường đến bình yên”; xem phóng sự “Đèn đỏ” phản ánh phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người qua không gian mạng, những tổn thương, đau khổ của nạn nhân bị mua bán phải trải qua và sự tận tâm, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, thách thức của các chiến sĩ Công an nhân dân và cán bộ Hội LHPN Việt Nam nỗ lực giải cứu nạn nhân và hỗ trợ họ tái hòa nhập với cuộc sống...
Sau Lễ phát động, các đại biểu đã tiến hành ký cam kết phòng, chống mua bán người, cùng chung tay hành động ngăn chặn và loại trừ tội phạm mua bán người...