Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan

27/09/2024
Nhận lời mời của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Liên bang Nga Igor Nikolaevich Zubov, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc tại Liên bang Nga từ ngày 23 - 29/9/2024.

Trong các ngày ngày 25 - 26/9, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an đã tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về vấn đề lan rộng hệ tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nga Igor Nikolaevich Zubov, với sự tham gia của các đại biểu tới từ 48 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm đã có bài phát biểu về công tác phòng, chống khủng bố, phòng ngừa cực đoan bạo lực của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa rất quan trọng của Hội nghị phòng, chống khủng bố, phòng ngừa cực đoan bạo lực trong bối cảnh các thách thức an ninh toàn cầu gia tăng, khẳng định Hội nghị góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy, hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, xây dựng một thế giới hoà bình, ổn định, phát triển vì hạnh phúc của nhân loại.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm phát biểu tại Hội nghị.


Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm đã nêu bật những giải pháp mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã triển khai một cách đồng bộ, toàn diện để Nhân dân được sống hạnh phúc, an tâm trong môi trường an ninh, an toàn, trật tự, kỷ cương, cũng như khiến Việt Nam trở thành một biểu tượng của hoà bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến đáng tin cậy, một xã hội an ninh, an toàn, trật tự, kỷ cương, ngày càng văn minh, tiến bộ.

Từ kinh nghiệm của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm nêu 05 giải pháp để góp phần đưa hợp tác quốc tế về phòng, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực.

Cụ thể, cần thống nhất nhận thức, phòng, chống khủng bố, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan phải được tiến hành trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc gia.

Tiếp tục hoàn thiện các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương tạo hành lang pháp lý cho chống cực đoan hóa, bạo lực cực đoan; trước mắt là triển khai có hiệu quả Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc, Kế hoạch hành động chống bạo lực cực đoan của Liên hợp quốc và các văn bản pháp lý quốc tế khác đã được ký kết và đang có hiệu lực.

Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, trước hết là giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong chia sẻ kịp thời thông tin; phối hợp đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động có dấu hiệu bạo lực cực đoan, ngăn chặn nguồn tài trợ và các kênh truyền bá tư tưởng bạo lực cực đoan, khủng bố, nhất là trong các hội, nhóm kín và trên không gian mạng; tập trung xác minh, làm rõ bản chất, nguyên nhân, điều kiện, địa bàn, xu hướng hoạt động của chủ nghĩa bạo lực cực đoan, khủng bố để phòng ngừa “từ sớm, từ xa”.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.


Tăng cường quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc trên lãnh thổ mỗi quốc gia, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến di trú, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho người nước ngoài trên lãnh thổ của nhau, ứng dụng khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học, dữ liệu lớn trong quản lý xuất, nhập cảnh và quản lý dân cư.

Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia để giải quyết tận gốc vấn đề cực đoan hóa và bạo lực cực đoan, khủng bố; rà soát, đánh giá, làm sâu sắc hơn nữa các cơ chế hợp tác song phương, đa phương đã có; nghiên cứu xây dựng các cơ chế hợp tác mới đủ năng lực ứng phó với các nguy cơ, thách thức mới nổi, nhất là trên không gian mạng, các hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia.

Các quốc gia có kinh nghiệm quan tâm hỗ trợ, đào tạo, nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hỗ trợ kịp thời và rút ngắn khoảng cách về năng lực phòng, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan giữa các quốc gia; tăng cường hỗ trợ thiết bị, phương tiện, chuyển giao công nghệ phục vụ công tác phòng, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan.

Thay mặt Bộ Công an Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Lâm bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan thực thi pháp luật các nước, các tổ chức quốc tế trong phòng, chống cực đoan hóa và bạo lực cực đoan, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh mỗi quốc gia và trên thế giới.

Công Tuấn
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website