Các đe dọa an ninh phi truyền thống đang nổi lên hiện nay - Thực trạng và vấn đề đặt ra đối với hoạch định chiến lược, quản trị quốc gia

23/05/2025
Ngày 23/5/2025, tại Học viện An ninh nhân dân, Bộ Công an tổ chức Hội thảo quốc tế “Các đe dọa an ninh phi truyền thống đang nổi lên hiện nay - Thực trạng và vấn đề đặt ra đối với hoạch định chiến lược, quản trị quốc gia”. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo, về phía đại biểu quốc tế có: TS Jennifer Lynne Horton, Phó đại diện cấp quốc gia, Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới Việt Nam; ngài Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; Đại tá Sỉ Thăn Khăm Sôm Phu, Phó trưởng Cơ quan đại diện Bộ Công an nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam; ngài Lee Jae Myun, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; GS.TS László István GASL, Trưởng Bộ môn Luật Hình sự, Khoa Luật, Trường Đại học Pécs, Hungary tham luận trực tuyến…

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Việt Nam; lãnh đạo một số Công an đơn vị, địa phương.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng các đại biểu dự Hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng các đại biểu dự Hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân nêu rõ, sự phát triển của không gian mạng và thành tựu vượt bậc mà cuộc Cách mạng 4.0 mang lại đã dẫn đến sự hình thành, phát triển các mô hình, phương thức kinh doanh mới; thúc đẩy kinh tế tri thức, kinh tế số, đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn cầu. Ngày nay, mỗi quốc gia không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất và gia tăng của cải vật chất cho xã hội; hợp tác, giao lưu trên nhiều lĩnh vực với các hoạt động xuyên biên giới.

Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.
Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo.

 

Song cũng chính trong tiến trình này, các đe dọa an ninh phi truyền thống (ANPTT) đã vượt ra khỏi biên giới của mỗi quốc gia, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, nhân loại… Như vậy, bối cảnh, điều kiện mới đòi hỏi phải có sự hợp tác toàn diện giữa các quốc gia trong khu vực, trên thế giới; sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa ANPTT. Do đó, Hội thảo quốc tế “Các đe dọa ANPTT đang nổi lên hiện nay - Thực trạng và vấn đề đặt ra đối với hoạch định chiến lược, quản trị quốc gia” được tổ chức có sự quy tụ của các chuyên gia thực tiễn, các nhà khoa học trong nước, quốc tế để trao đổi, thảo luận các vấn đề về hoạch định chiến lược, quản trị quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa ANPTT là rất cần thiết…

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận những vấn đề chung về hoạch định chiến lược, quản trị quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa ANPTT. Thực tiễn phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa ANPTT trên các lĩnh vực, địa bàn và vấn đề đặt ra đối với hoạch định chiến lược, quản trị quốc gia. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm quốc tế trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa ANPTT và giá trị tham khảo đối với Việt Nam.

Đại tá, GS.TS Nguyễn Trường Thọ, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân điều hành tham luận tại Hội thảo.
Đại tá, GS.TS Nguyễn Trường Thọ, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân điều hành tham luận tại Hội thảo.
Các đại biểu trong và ngoài nước phát biểu tham luận tại Hội thảo.

 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh, các tham luận và các báo cáo khoa học đã được in và đăng tại Kỷ yếu đều thống nhất nhận thức về từ và cụm từ. Trong đó, ANPTT được hiểu là: Những thách thức bắt nguồn từ những nhân tố ngoài quân sự, chính trị và ngoại giao, trực tiếp ảnh hưởng, thậm chí uy hiếp đến sự sinh tồn, ổn định và phát triển của quốc gia, khu vực và toàn cầu. ANPTT mang tính chất “động” với một số đặc điểm, bao gồm: Tính tiềm ẩn, tính nguy cơ, tính xuyên quốc gia; tính chồng lấn tương đối với những thách thức an ninh, trật tự; tính phi chính phủ và tính toàn cầu.

Đối với “các mối đe dọa ANPTT”, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tiếp tục khẳng định đây là những vấn đề toàn cầu, gồm: Bảo vệ hòa bình, bảo vệ an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… Sự nảy sinh, phát triển, vận động, biến đổi của các vấn đề ANPTT phản ánh khách quan theo tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân loại và ở tại mỗi quốc gia. Từ các nhận thức trên cho thấy, An ninh truyền thống và ANPTT là hai vấn đề của an ninh quốc gia, đồng thời cùng tồn tại, liên hệ và có ảnh hưởng đan xen lẫn nhau, tác động qua lại lẫn nhau…

Đối với “hoạch định chiến lược” có thể hiểu là toàn bộ quá trình hình thành tư tưởng, quan điểm, định hướng; xây dựng kế hoạch, biện pháp; kết hợp với các nguồn lực cần thiết và thực hiện các nhiệm vụ một cách thích hợp, nhất quán trong một thời hạn tương đối nhằm chủ động phòng ngừa, giải quyết, ứng phó linh hoạt với các vấn đề nổi lên trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tổng kết Hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tổng kết Hội thảo.

 

Về “quản trị quốc gia” có thể được hiểu là cách thức tổ chức về quyền lực chính trị, hành chính, xã hội nhằm quản trị xã hội, quản trị sự phát triển, nhằm xây dựng, phát triển bộ máy nhà nước hiện đại, hoạt động hiệu quả, có đủ khả năng huy động và củng cố tiềm lực để nhận diện từ sớm, từ xa, chủ động phòng ngừa, giải quyết kịp thời và nâng cao năng lực thích ứng thường xuyên, linh hoạt với các mối đe dọa, bảo đảm giữ vững lợi ích cốt lõi của quốc gia - dân tộc, hướng tới phát triển bền vững.

Trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu, trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, có thể xác định các mối đe dọa ANPTT nổi lên ở Việt Nam hiện nay như: Dịch bệnh truyền nhiễm; Biến đổi khí hậu; Các đe dọa an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao… Ngoài ra, còn các vấn đề khác như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… đã và đang nảy sinh các nguy cơ đe dọa đến ANPTT ở Việt Nam hiện nay. Qua đó đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ hoạch định chiến lược, quản trị quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa ANPTT hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Về hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa ANPTT, Hội thảo cũng đã thống nhất rằng việc hoạch định và tổ chức thực hiện “Chiến lược tổng thể quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa ANPTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là rất cần thiết nhằm kế hoạch hóa mục tiêu, nguồn lực quốc gia, chủ động nắm bắt thời cơ, hóa giải các nguy cơ để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng...

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

 

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị thường trực, phối hợp tổ chức Hội thảo; trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã dành tâm huyết cho các ý kiến tham luận và tọa đàm, thảo luận tại Hội thảo.

Để phát huy kết quả, thành công của Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ yêu cầu Học viện An ninh nhân dân tổng hợp đầy đủ ý kiến tham luận của các đại biểu; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ Công an, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an; các đơn vị có liên quan khẩn trương, báo cáo kết quả buổi Hội thảo tới đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an; tham mưu lãnh đạo Bộ Công an báo cáo kiến nghị Chính phủ về chủ trương, quan điểm, phương châm, nguyên tắc và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạch định chiến lược, quản trị quốc gia phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT; phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, phê duyệt về Chiến lược ANPTT của Việt Nam trong kỷ nguyên mới…

Tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức về ANPTT, các đe dọa ANPTT, hoạch định chiến lược và quản trị quốc gia nhằm tạo sự thống nhất từ trong tư duy, nhận thức đến hành động thực tiễn của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa ANPTT.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cùng các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

 

Đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần quan tâm tổng kết thực tiễn; nhận diện, làm rõ tình hình, diễn biến, sự vận động, biến đổi và những xu hướng mới của các mối đe dọa ANPTT trên các lĩnh vực, địa bàn; nhất là các mối đe dọa ANPTT mới, đã và đang nổi lên hiện nay. Làm tốt công tác phân tích, đánh giá, dự báo về chiều hướng vận động, xu hướng mới của các mối đe dọa an ninh con người, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh nguồn nước… Trên cơ sở đó, thống nhất cả về nhận thức và hành động thực tiễn tổ chức phòng ngừa và ứng phó; góp phần kiến tạo môi trường ổn định, an toàn, lành mạnh cho các thành phần kinh tế phát triển bền vững, củng cố, duy trì kỷ cương, trật tự xã hội; bảo đảm vững chắc an ninh, trật tự trên địa bàn chiến lược, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…

Phan Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website