Chủ quyền không gian mạng - Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia

02/12/2022
Lượt xem: 5902
Ngày 02/12/2022, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo bình luận khoa học cuốn sách “Chủ quyền không gian mạng - Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia” do Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Chủ biên. Hội thảo được kết nối trực tuyến từ Học viện Chính trị Công an nhân dân (CAND) đến điểm cầu của Công an 63 địa phương và điểm cầu Trường Đại học An ninh nhân dân. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chù trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo về phía khách mời có các đồng chí: Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; GS.TS Nguyễn Hồng Thao, Đại sứ, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc; lãnh đạo các Cục, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an; các học viện, trường CAND và Công an các đơn vị địa phương cùng đông đảo các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận thực tiễn trong và ngoài lực lượng CAND. Về phía Học viện Chính trị CAND - đơn vị Thường trực tổ chức Hội thảo và các đơn vị phối hợp tham mưu tổ chức Hội thảo có Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND khẳng định, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet và các mạng xã hội đã và đang tạo ra không gian chiến lược mới - “không gian mạng” với nhiều thời cơ, vận hội nhưng cũng lắm thách thức đặt ra đối với tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch và tội phạm hiện nay đang triệt để khai thác không gian mạng như một phương thức, “miền đất hứa” để thực hiện các hoạt động tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch, tập hợp lực lượng, kích động thực hiện âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta; thực hiện hoạt động phạm tội, nhất là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm khủng bố và các loại tội phạm khác. Trước thực tế đó, Đảng, Nhà nước ta đã sớm nhận thức rõ chủ quyền không gian mạng là bộ phận có tầm quan trọng đặc biệt của chủ quyền quốc gia, đồng thời bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng không những là nhiệm vụ cấp bách mà còn thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Đặc biệt, với vai trò chủ công, nòng cốt trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã thường xuyên chỉ đạo, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Lực lượng CAND đã và đang tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo đảm an ninh mạng, tích cực xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh mạng, phát hiện và ngăn chặn các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước cũng như các vụ việc phạm tội và vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các mặt công tác bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy phát biểu khai mạc Hội thảo.


Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn đặt ra hiện nay, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã biên soạn và xuất bản cuốn sách “Chủ quyền không gian mạng - Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ quốc gia”. Cho đến thời điểm này, đây là một trong số rất ít các công trình khoa học đã được công bố trong nước có sự nghiên cứu tổng thể và toàn diện về không gian mạng, đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng - Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy nhấn mạnh.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, qua đó làm nổi bật hơn các vấn đề đã được đồng chí Bộ trưởng đề cập trong cuốn sách cũng như các vấn đề mới khác có liên quan, nhất là về cơ sở chính trị, pháp luật quốc tế và thực tiễn của bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; tuyên truyền, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Phân tích, làm rõ hơn bối cảnh quốc tế và trong nước, qua đó nhận diện rõ thời cơ, thách thức liên quan đến sự phát triển của không gian mạng; thực trạng và trách nhiệm, nghĩa vụ, cách thức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong giai đoạn hiện nay, qua đó thấy được giá trị của cuốn sách đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và với công tác của lực lượng CAND nói riêng. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, với 3 chương, 319 trang, cuốn sách của Bộ trưởng Tô Lâm đã phân tích, luận giải sâu sắc những vấn đề mang tính nhận thức về không gian mạng và pháp luật cũng như áp dụng luật pháp quốc tế bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; nghĩa vụ quốc gia về bảo vệ chủ quyền không gian mạng. Trong cuốn sách này, đồng chí Bộ trưởng đã cập nhật và thông tin nhiều vấn đề hết sức quan trọng về những thách thức thời đại từ không gian mạng, về kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới về bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng mà các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể tham khảo.

   GS.TS Nguyễn Hồng Thao, Đại sứ, thành viên Uỷ ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc khẳng định: Cuốn sách của Đại tướng Tô Lâm là một đóng góp lớn cho sự nghiệp “xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lợi ích quốc gia trên không giang mạng” của Việt Nam. Nó khẳng định luật quốc tế không bao giờ đứng yên, luôn phát triển để điều tiết các yêu cầu cấp thiết của thời đại trên cơ sở giữ vững những giá trị nền tảng, các nguyên tắc cơ bản của mình. Cuốn sách đã khái quát 4 cách tiếp cận chung về không gian mạng dưới góc độ kỹ thuật, an ninh quốc gia, học thuật và tiêu chuẩn để đưa ra một nhận xét quan trọng: Đang có những lỗ hổng pháp luật trong quản lý không gian mạng nhưng các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế vẫn hữu hiệu trong việc điều chỉnh các hoạt động mạng trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia. Cuốn sách cũng cho ta thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia đang đi theo hướng ủng hộ pháp luật quốc tế, ủng hộ quản lý nhà nước trên không gian mạng; làm rõ hơn nội hàm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Cuốn sách ra đời không chỉ nhằm trình bày quan điểm, bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong không gian mạng mà còn góp phần khẳng định vai trò của Luật pháp quốc tế trong giải quyết các mâu thuẫn về quản lý không gian mạng. Đặc biệt, để đất nước chủ động trong mọi cuộc chiến, chúng ta không chỉ cần quản lý tốt không gian mạng trong thời bình mà cần xây dựng lực lượng tác chiến trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền không gian mạng bằng lực lượng của chính mình, gọi ý về xây dựng lực lượng trong tình hình mới.

 

   Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của Tập đoàn công nghệ BKAV cho rằng: Cuốn sách của Bộ trưởng Tô Lâm đã xâu chuỗi, “nén” được những vấn đề rất cốt lõi về an ninh mạng. Trong đó, thông điệp lớn nhất là sự khẳng định ngoài không gian truyền thống, không gian mạng là vùng chủ quyền lãnh thổ mới. Cuốn sách cũng đã tham khảo cách nhìn của các nước lớn trên thế giới về không gian mạng, trên cơ sở đó đưa ra định nghĩa riêng về không gian mạng của Việt Nam. Đây có thể được xem là “kim chỉ nam” để mọi việc trên không gian mạng được quy chuẩn, từ đó mọi cá nhân, cộng đồng xã hội tham gia ứng xử phù hợp.

 

   PGS.TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình thúc đẩy xây dựng nội hàm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của Việt Nam, về lợi ích quốc gia, dân tộc, mở mang tầm chiến lược để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong tình hình mới, góp phần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Về mặt lý luận, cuốn sách của Bộ trưởng Tô Lâm đã góp phần hiện thực hoá quan điểm, đường lối của Đảng về an ninh mạng; làm sáng rõ về mặt lý luận nhiều khái niệm mới, phức tạp, trừu tượng liên quan đến không gian mạng; góp phần hình thành nhận thức và hành động chung của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng về xây dựng và bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng; khẳng định vai trò của văn hoá mạng. Về mặt thực tiễn, cuốn sách góp phần nâng cao nhận thức về một lĩnh vực mới ở Việt Nam là thực hiện pháp luật về an ninh mạng, là cơ sở bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; cung cấp nhiều kiến thức pháp luật về an ninh mạng, là cơ sở để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm được thực hiện nhanh chóng và kịp thời hơn; làm rõ sự cần thiết phải tăng cường các nguồn lực cho bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế bằng việc xây dựng luật pháp quốc tế trên không gian mạng và đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

 

    Đại tá, TS Nguyễn Ngọc Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND cũng khẳng định: Nội dung cuốn sách đã đi trước thời đại khi đưa ra những dự báo và nhận định vô cùng chính xác về tình hình chính trị, sự thay đổi của không gian mạng trong hiện tại và tương lai. Đồng thời toát lên khát vọng cháy bỏng làm sao cho quốc gia, dân tộc được hùng cường, thịnh vượng thông qua bài toán làm chủ, tự chủ trong thời đại không gian mạng. Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng không chỉ là tập hợp chiến lược, chiến thuật về tấn công và phòng thủ mà còn bao gồm cả sự tận dụng, sử dụng công nghệ thời đại để phát triển nội lực quốc gia. Vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc vào khả năng làm chủ của Nhà nước và tất cả công dân trong quốc gia đó. Nhận diện rõ yêu cầu thời đại, xác định nghĩa vụ quốc gia trong thời đại không gian mạng là bước đi chiến lược để quốc gia phát triển nhanh, bền vững, là con đường dẫn tới hùng cường.

 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học đến tham dự và có tham luận gửi tới Hội thảo; khẳng định những giá trị lớn cả về lý luận và thực tiễn mà cuốn sách mang lại.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị Học viện Chính trị CAND và các đơn vị tham mưu, phối hợp tổ chức Hội thảo cần ghi nhận toàn bộ những ý kiến tham luận tại Hội thảo và thông qua đó phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nhằm lan tỏa rộng rãi hơn nữa nội dung cuốn sách của Bộ trưởng Tô Lâm đến cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về bảo đảm an ninh mạng, tham gia tích cực công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại Hội thảo.


Tham mưu với Bộ Công an trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa nội dung về không gian mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng vào nội dung học tập trong trường phổ thông và giáo dục đại học. Đồng thời, đưa nội dung này vào trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng các hệ học của các học viện, trường CAND.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, kiện toàn, nâng cao hơn nữa năng lực của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an; tăng cường đầu tư kinh phí, phương tiện hiện đại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong tình hình mới; góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Tất Đạt
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website