Cùng dự ở điểm cầu Trung ương có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư: Phan Diễn, Trần Quốc Vượng và một số Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Ban Bí thư; đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, doanh nghiệp về khoa học công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước, giảng viên, sinh viên xuất sắc tiêu biểu về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự tại điểm cầu tỉnh Bình Dương; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự tại điểm cầu tỉnh Long An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.
Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng là lãnh đạo chủ chốt các tỉnh ủy, thành ủy, quân khu, quân chủng dự tại điểm cầu của địa phương, đơn vị mình.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến 15.345 điểm cầu, với 978.532 đại biểu tham dự ở các Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ở Trung ương, Ban cán sự đảng các bộ, ngành, đơn vị, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
|
|
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương. |
|
Các đại biểu dự tại điểm cầu Đảng ủy Công an Trung ương. |
Nghị quyết số 57-NQ/TW: Bước chuyển mình quan trọng trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo đó, căn cứ Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 229 ngày 10/1/2025 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quy định, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị gồm 19 thành viên, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
|
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua. |
Hội nghị nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phát phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tiếp đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt nội dung, tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW. |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Do vậy, ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với tinh thần “5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhất là 05 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 06 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 07 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong xây dựng pháp luật
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng có bài phát biểu về Chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật để đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu khái quát về hệ thống pháp luật lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; đồng thời phân tích làm rõ những mặt được, ưu điểm và những mặt hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn của hệ thống văn bản pháp luật hiện nay trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về thể chế, để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra 07 nhiệm vụ, giải pháp, qua rà soát cho thấy, với hơn 100 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó có 16 nhiệm vụ đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách rất mới như: phát triển ngành công nghiệp Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật; đầu tư, xây dựng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; hình thành hạ tầng lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xanh; xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn, hình thành ngành công nghiệp dữ liệu lớn của Việt Nam; xây dựng một số trường, trung tâm đào tạo tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo…
|
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chủ trương, giải pháp về thể chế pháp luật về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. |
Ngày 10/01/2025, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch hành động số 3260 để thực hiện Nghị quyết, trong đó xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, phân công trách nhiệm rõ ràng, tiến độ cụ thể và và tổ chức triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao nhất; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đánh giá hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thi đua, khen thưởng, biểu dương kịp thời.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật: các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định, thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Phối hợp tổ chức rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ, xoá bỏ; thống nhất nhận thức về nhiệm vụ“đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trên cơ sở Chính phủ trình và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua các dự án Luật trong 06 lĩnh vực trọng tâm: Về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số: hoàn thiện 08 Luật. Về đầu tư và tài chính: rà soát, hoàn thiện 12 Luật. Về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: rà soát, sửa đổi, hoàn thiện 11 Luật. Về doanh nghiệp, thương mại: rà soát, hoàn thiện 03 Luật. Về bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, môi trường số, rà soát hoàn thiện 03 Luật. Về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo: hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh xây dựng, vận hành Quốc hội số, Chính phủ số, Chính quyền số…
Càng sớm càng tốt hoàn thành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết điểm nghẽn, rào cản
|
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia phát biểu chỉ đạo. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được tổ chức phản ánh quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đất nước trong việc đẩy mạnh và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tổng Bí thư khẳng định, khoa học, công nghệ là động lực then chốt cho tăng trưởng kinh tế thần kỳ của nhiều nước; các bài học thành công từ nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh vai trò của khoa học, kỹ thuật. Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt, là chìa khóa vàng, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu; Đồng thời cũng là hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.
Phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là phương tiện quan trọng để đạt được mục đích. Đột phá đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kì diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá sáng tạo mới tạo ra những bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, vượt qua rào cản, giới hạn của hiện tại để đạt được kết quả vượt trội, nổi bật, đột phá, mang tính mới mẻ, tính hiệu quả, vượt giới hạn và tạo ra ảnh hưởng lớn…
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây là “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương chưa đạt được các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển.
|
|
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học-công nghệ. |
|
Để đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu luôn quán triệt quan điểm xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.
Đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đó là những khoảng không gian vô tận, có nhiều miền hoang vu, có nhiều cơ hội để các trí thức, các nhà khoa học, người lao động biến “sỏi đá thành cơm”.
Về hành động, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: Cần xác định làm rõ Nhà nước làm gì? Doanh nghiệp làm gì? Trí thức, nhà khoa học làm gì? Toàn dân làm gì? Thụ hưởng như thế nào? Nhà nước cần tập trung bốn việc: (1) Hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển, (2) Xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá, (3) Tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá, (4) Đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, phải khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách; trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khuyến khích người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm.
Bộ Chính trị đã định hướng đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và tinh thần này sẽ được thể chế hóa trong Luật sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến được Quốc hội thông qua sớm. Ban cán sự đảng Chính phủ cần phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ xây dựng 27 luật và 19 nghị định trong năm 2025, đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và ban hành sớm văn bản hướng dẫn để các quy định mới sớm đi vào thực tiễn. Hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả, có cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ, nhất là với đội ngũ cán bộ thực thi. Loại bỏ ngay tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ, hay bình quân chủ nghĩa…
Cùng với đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ; ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá; ban hành cơ chế thu hút nhân tài nói chung, đặc biệt là nhân tài khoa học, công nghệ, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia quốc tế; cần ưu tiên nguồn lực cho một số ngành kinh tế có lợi thế và tiềm năng phát triển...
Quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết số 57 nhanh chóng vào cuộc sống, xây dựng một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư chỉ rõ, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số.
Với nền tảng chính trị, pháp lý vững chắc và sự đồng thuận cao từ toàn Đảng, nhân dân và giới trí thức, Tổng Bí thư tin tưởng, Nghị quyết sẽ tạo ra bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.