Thừa ủy quyền, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng CSND I và Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an đồng chủ trì hội thảo.
|
Toàn cảnh Hội thảo. |
Dự hội thảo có đại diện Đại sứ quán các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia; đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương; đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc Phòng…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo nhấn mạnh, Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) Việt Nam là một bộ phận của lực lượng Cảnh sát cơ động, được xác định là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò là “lá chắn thép” trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (TTATXH). Việc xây dựng lực lượng CSĐN chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là một chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của Nhà nước và Bộ Công an Việt Nam.
|
Thiếu tướng, PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo phát biểu tại hội thảo. |
Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo CSĐN ở Việt Nam: Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và giải pháp” là diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước, cũng như các đại biểu, Công an các đơn vị, địa phương nghiên cứu, đánh giá về những kết quả đạt được trong công tác đào tạo CSĐN; chia sẻ kinh nghiệm đào tạo CSĐN; nhận diện những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo CSĐN ở Việt Nam trong thời gian tới.
Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 60 bài viết có chất lượng của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các cán bộ thực tiễn đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Công an của Việt Nam. Với nội dung thiết thực và phong phú, các bài viết đã đề cập đến nhiều lĩnh vực từ công tác đào tạo đến huấn luyện chuyến đấu; hoàn thiện cơ sở pháp lý, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng lực lượng CSĐN; thực tiễn công tác bảo đảm ANTT và những vấn đề đặt ra trong đào tạo, bồi dưỡng CSĐN; đề xuất các giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo CSĐN ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Thảo luận tại hội thảo, các ý kiến của các nhà khoa học đều thống nhất làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát cơ động và CSĐN nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới, trên một số nội dung: Xây dựng Đảng; xây dựng về chính trị, tư tưởng; tổ chức, bộ máy; đội ngũ cán bộ; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị phương tiện; quan hệ phối hợp và hợp tác quốc tế…. Từ đó tiếp tục khẳng định công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động, trong đó có CSĐN theo Đề án “Hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030” của Chính phủ và Kế hoạch số 279/KH-BCA-K02 ngày 09/7/2021 của Bộ Công an là một trong những chủ trương, mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước nhằm góp phần bảo đảm ANTT, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trong giai đoạn hiện nay.
Các ý kiến của các nhà khoa học đã thống nhất về nhận thức và làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong công tác đào tạo CSĐN trong giai đoạn hiện nay tại các cơ sở giáo dục trong ngành Công an và tại Công an các đơn vị, địa phương. Các ý kiến đều nhấn mạnh, công tác đào tạo nói chung và đào tạo CSĐN nói riêng luôn được quan tâm, chú trọng, đổi mới, nâng cao chất lượng và đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng ghi nhận…
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thiếu tướng, PTS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND I, Trưởng Ban tổ chức hội thảo đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, nhà khoa học trong việc gợi mở, khuyến nghị các giải pháp để xây dựng lực lượng CSĐN trong thời gian tới. Thiếu tướng Lê Hoài Nam cũng đề nghị Ban Tổ chức hội thảo tiếp thu toàn bộ các ý kiến phát biểu, tham luận và tổng kết hội thảo, tổng hợp kết quả hội thảo báo cáo lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng lực lượng CAND nói chung, đào tạo CSĐN nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị.