Nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông
Sáng thứ hai đầu tuần, tại Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) – ngôi trường nằm ngay trung tâm thành phố, lượng học sinh ra vào cổng trường khung giờ cao điểm rất lớn. Hầu hết các em tự điều khiển mô tô, xe gắn máy đến trường, một số ít được bố mẹ đưa đón.
|
Lực lượng Công an giao lưu, truyên truyền đến học sinh về các quy định của pháp luật. |
Cô giáo Đào Thúy Hậu – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu thông tin: “Trường có hơn 3.000 học sinh, các em lại có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nhưng ý thức chấp Luật giao thông của các em rất tốt. Để làm được điều đó, nhà trường đã rất nỗ lực, đặc biệt là trong công tác phối hợp với lực lượng Công an. Trong các giờ chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa của trường đều có mời cán bộ Công an đến tuyên truyền pháp luật. Còn trong các kỳ nghỉ dài, nhà trường đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm của từng lớp, Công an phường và gia đình để nhắc nhở, quản lý các em chấp hành Luật giao thông. Trong các sự kiện quan trọng như khai giảng, thi tốt nghiệp THPT, hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể thao của trường có tập trung đông người, Công an thành phố Pleiku đều phối hợp, bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo giao thông tại khu vực cổng trường an toàn, thông suốt”.
Được cán bộ Cảnh sát giao thông tuyên truyền, em Lê Thanh Tiến (học sinh lớp 11B4, Trường TPHT Phan Bội Châu) chia sẻ: “Việc chấp hành Luật giao thông rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Vi phạm luật giao thông, em sẽ làm mất danh dự của một học sinh, nếu gây tai nạn ảnh còn hưởng đến sức khỏe, tài sản của gia đình, ảnh hưởng đến nhà trường, xã hội và cả tinh thần, không còn tập trung được vào việc học”.
|
Công an huyện Chư Pah làm việc với Ban Giám hiệu Trường THPT Mạc Đĩnh Chi về công tác phối hợp quản lý, giáo dục học sinh. |
Ghi nhận tại một địa phương khác là huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai), lực lượng Công an đã tích cực phối hợp Ban Giám hiệu các trường học triển khai các biện pháp quản lý, giáo dục học sinh. Trung tá Trương Thị Cẩm Dung – Đội trưởng Đội CSGT-TT, Công an huyện Chư Pah cho biết: “Thực hiện Kế hoạch ra quân cao điểm tấn công trấn áp tội phạm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025, lực lượng CSGT Công an huyện đã tuyên truyền, quán triệt các em học sinh trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông, phụ huynh không được giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện lưu thông; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về trường để nhắc nhở, chấn chỉnh”.
Loại bỏ các yếu tố gây mất an ninh học đường
Tuổi học trò thường hay tò mò, thích khám phá nên dễ bị tác động, tiêm nhiễm bởi những yếu tố không tích cực. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc, bên cạnh mặt tích cực, nhiều vấn đề tiềm ẩn gây mất an ninh học đường xuất hiện như tệ nạn ma túy, học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, mua bán pháo nổ,… Trong năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ mua bán trái phép chất ma túy liên quan đến học sinh: Tối ngày 13/10, tại hẻm 386 Lý Thái Tổ (phường Yên Đỗ, TP. Pleiku), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Gia Lai đã bắt quả tang K (18 tuổi, trú phường Yên Đỗ, TP. Pleiku), N.P.H (17 tuổi, trú phường Hội Phú, TP. Pleiku, học sinh một trường THPT trên địa bàn) đang mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 01 gói nilon chứa chất rắn dạng tinh thể màu trắng.
|
Lực lượng Công an hướng dẫn các em học sinh ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật để đảm bảo môi trường học tập an ninh, an toàn. |
Tại cơ quan Công an, K và H khai nhận mua ma túy đá từ Rcom Tuyn (22 tuổi, trú phường Yên Đỗ). Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, nhiều em học sinh đã mua bán các tiền chất sản xuất thuốc nổ để chế tạo pháo theo các clip trên mạng. Chỉ trong 3 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai xảy ra 3 vụ việc liên quan đến học sinh tự chế tạo pháo tại nhà, khiến 4 em bị thương, 1 em tử vong.
Để giải quyết thực trạng này, cơ chế phối hợp giữa Công an – trường học – gia đình càng trở nên cấp thiết. Thượng úy Võ Anh Dũng, Phó Trưởng Công an thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) cho biết: “Vừa qua, Công an thị trấn đã tổ chức cho học sinh ký cam kết không mua bán, sử dụng, chế tạo pháo. Ngoài ra, Công an thị trấn đã triển khai cho các tổ bảo vệ an ninh, trật tự đến 6 khu dân cư trên địa bàn, đề nghị từng hộ gia đình ký cam kết phối hợp quản lý con em và không sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các trường hợp học sinh tự ý đặt mua tiền chất sản xuất pháo trên mạng xã hội, Công an thị trấn cũng giáo dục, thuyết phục các em giao nộp lại cho cơ quan Công an”.
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Pah) thông tin: “Nhà trường thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an tổ chức tuyên truyền pháp luật cho học sinh thông qua nhiều hình thức. Sau những đợt tuyên truyền, ý thức của các em học sinh cũng được nâng cao, tất cả các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện đều được phụ huynh đưa đón hoặc đăng ký đi học bằng xe buýt. Còn về các tệ nạn xã hội khác, nếu phát hiện học sinh có biểu hiện nghi vấn, trường cũng sẽ thông báo ngay có lực lượng Công an để phối hợp quản lý, khuyên răn. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên duy trì, giữ vững mối quan hệ thông tin trao đổi hai chiều với phụ huynh học sinh để theo dõi, kiểm soát, nhắc nhở uốn nắn các em chấp hành tốt nội quy, quy định của nhà trường và pháp luật”.
|
Tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. |
Em Trần Thái Quỳnh Như, học sinh lớp 12C12, Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) chia sẻ: “Một số bạn học sinh có ý thức chấp hành pháp luật rất tốt nhưng vẫn còn những bạn vi phạm luật giao thông, hút thuốc lá điện tử dù chưa đủ 18 tuổi,… được các chú Công an tuyên truyền pháp luật, em thấy rất vui và tự tin hơn vì mình đã được tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích, em và các bạn sẽ tiếp tục lan tỏa những điều hay vừa được học để chung tay xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh”.
* Năm 2024, lực lượng Công an Gia Lai xử lý hơn 4.000 trường hợp học sinh vi phạm TTATGT với các lỗi phổ biến như chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm,… đồng thời tổ chức gần 600 buổi tuyên truyền pháp luật tại trường học cho hơn 300.000 học sinh; tổ chức cho hơn 226.000 học sinh ký cam kết chấp hành pháp luật; hơn 93.000 phụ huynh ký cam kết không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện; thành lập 306 mô hình cổng trường an toàn giao thông và 100 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại khu vực cổng trường,…