Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ đầu năm 2013 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng, đổi mới các biện pháp, mở nhiều cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), xử phạt các hành vi vi phạm kiên quyết hơn, nhờ đó tai nạn giao thông (TNGT) giảm được số vụ và số người bị thương. Tuy vậy, số người chết do TNGT vẫn chưa giảm; vi phạm về TTATGT vẫn phổ biến, TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người liên tiếp xảy ra. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách ngăn chặn TNGT nghiêm trọng trong hoạt động vận tải, trong đó xác định một trong những nguyên nhân chính là do công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn hạn chế.
Qua báo cáo của các đơn vị, địa phương và trực tiếp kiểm tra thị sát, lãnh đạo Bộ thấy: Hiện nay trên các tuyến đường (cả quốc lộ và đường đô thị), nơi thì có quá nhiều lực lượng, nơi thì để trống địa bàn; lực lượng CSGT ít tổ chức tuần tra cơ động, nhiều nơi có biểu hiện lập chốt cố định tại đường quốc lộ dẫn đến nhiều lái xe chỉ chấp hành giao thông mang tính đối phó, thông tin cho các xe khác. Ở một số đơn vị, địa phương, việc phối hợp với Thanh tra giao thông trong kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải, cân tải trọng xe còn chưa đúng với phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao gây hiểu lầm, thiếu xây dựng đối với CSGT khi thi hành công vụ.
Để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu lực của công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc Công an các địa phương tập trung chỉ đạo một số vấn đề trọng tâm sau đây:
1. Chấn chỉnh ngay việc bố trí lực lượng Công an ra đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, thực hiện đúng Thông tư ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra kiểm soát của CSGT đường bộ.
2. Phải thực hiện phương thức tuần tra cơ động là chính. Nghiêm cấm lập các chốt kiểm tra cố định hoặc thường xuyên đến một địa điểm tổ chức dừng xe để kiểm tra (trừ địa điểm là điểm đen giao thông). Việc dừng phương tiện để kiểm tra phải thực hiện đúng quy trình công tác và điều lệnh CAND, nghiêm cấm tình trạng “vẫy xe” xem giấy tờ qua loa rồi cho đi.
3. Việc phối hợp với các lực lượng chức năng khác phải có kế hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm đúng phận sự, chức trách được giao, không làm thay lực lượng khác, không để lực lượng khác làm thay CSGT. CSGT tập trung điều tiết, hướng dẫn giao thông, xử lý nghiêm các lỗi chủ yếu gây ra tai nạn và ùn tắc giao thông, chỉ xử lý những trường hợp xe quá khổ, quá tải đang lưu thông trên đường phát hiện có nguy cơ xảy ra TNGT nếu không được ngăn chặn kịp thời.
4. Để đảm bảo phương thức tuần tra cơ động là chính, Bộ đang giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu lại định mức xăng dầu. Trước mắt, yêu cầu Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo bảo đảm nhu cầu xăng dầu đáp ứng cho hoạt động tuần tra cơ động của lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông.
5. Giao Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội chỉ đạo các Cục nghiệp vụ tăng cường kiểm tra (cả công khai và hóa trang), đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nội dung trên. Giám đốc Công an các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tự kiểm tra, chấn chỉnh lực lượng tuần tra, kiểm soát của địa phương.
Nếu phát hiện có các biểu hiện vi phạm quy trình công tác, tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ, phải kiên quyết lập biên bản, xử lý theo quy định./.