Lực lượng Hậu cần, Kỹ thuật Công an nhân dân – 75 năm xây dựng và trưởng thành

09/01/2023
Lượt xem: 10191
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Hậu cần – Kỹ thuật Công an nhân dân (25/01/1948 – 25/01/2023), Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng: “Lực lượng Hậu cần, Kỹ thuật Công an nhân dân – 75 năm xây dựng và trưởng thành”. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Bộ trưởng.

Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật Công an nhân dân (CAND) có quyền tự hào về những chiến công, thành tích đã đạt được; với bề dày truyền thống 75 năm, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nặng nề trong tình hình mới, mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và lực lượng CAND.

1. Sự ra đời và trưởng thành của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND gắn liền với lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng CAND trên chặng đường đầy vẻ vang và oanh liệt. Ngày 25/01/1948, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ II, tổ chức hậu cần, kỹ thuật chính thức được thành lập. 75 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã đạt được những thành tích, chiến công thầm lặng nhưng hết sức to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng CAND. Trải qua các cuộc chiến tranh cũng như khi hòa bình lập lại, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật đóng vai trò tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an triển khai các nhiệm vụ hậu cần, kỹ thuật, là bộ phận quan trọng không thể thiếu trong quá trình duy trì hoạt động, công tác, chiến đấu của lực lượng CAND, qua đó, lực lượng CAND đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ nặng nề được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những chiến công của lực lượng CAND, vai trò, vị trí và những đóng góp của lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND được khẳng định hết sức to lớn và quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu thăm quan khu triển lãm bên lề Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78.

 

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật đã làm tốt việc tiếp quản cơ sở vật chất, vũ khí để phục vụ chiến đấu của lực lượng CAND. Vượt lên mọi khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật còn thiếu, lạc hậu, trình độ, kiến thức chuyên môn của cán bộ hậu cần, kỹ thuật còn hạn chế; cấp ủy đảng, lãnh đạo và toàn thể cán bộ, chiến sỹ lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật không ngừng nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nghiên cứu chế tạo được các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác, chiến đấu của toàn ngành Công an, góp phần bảo vệ, ngăn chặn âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

Lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã tham mưu với cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, thực hiện tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp, đáp ứng có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ trật tự, trị an vùng tự do và tham gia đấu tranh chống thực dân Pháp; tổ chức nghiên cứu, chế tạo và sản xuất thành công nhiều loại vũ khí, khí tài trang bị cho các lực lượng; làm tốt công tác dân vận để đồng bào cho mượn nhà, xây dựng lán trại làm nơi ở, nơi làm việc cho cơ quan Công an các cấp, bảo đảm sẵn sàng phương án di chuyển tránh các đợt ném bom của thực dân Pháp vào các cơ quan đầu não kháng chiến. Tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường vận chuyển, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, vũ khí cho chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954). Trong những năm đầu thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND ở các tỉnh phía Nam đã phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ đưa cán bộ tập kết ra miền Bắc, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND các tỉnh phía Bắc đã khẩn trương đón tiếp, sắp xếp nơi ăn ở ổn định cho cán bộ Công an miền Nam tập kết ra Bắc.

Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Công an các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đến tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển của lực lượng CAND tổ chức vào tháng 9/2022.

 

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức, lực lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ hậu cần, kỹ thuật CAND. Tại Hội nghị công tác hậu cần lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 8/1967, đã đánh dấu sự chuyển biến to lớn về nhận thức đối với vai trò, vị trí công tác hậu cần, kỹ thuật trong toàn bộ các hoạt động công tác của lực lượng CAND, xác định nhiệm vụ cơ bản của công tác hậu cần, kỹ thuật và bàn phương hướng, biện pháp quản lý tài sản toàn ngành Công an theo đúng quy định của Nhà nước. Trong giai đoạn này, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã thực sự thể hiện được năng lực nghiên cứu, tiếp thu khoa học công nghệ, sản xuất thành công nhiều sản phẩm khoa học phục vụ kháng chiến; hàng trăm tấn các loại vũ khí đã được sản xuất để cung cấp cho lực lượng quân sự, biệt động và an ninh miền Nam, sử dụng tấn công các mục tiêu trong vùng địch kiểm soát cũng như chống càn, đạt hiệu quả sát thương cao; sản xuất thành công hàng trăm nghìn giấy miễn quân dịch, công vụ lệnh và đặc biệt là thẻ chứng minh in hình rồng xanh của Mỹ - Ngụy khiến cho địch không thể phát hiện, tạo điều kiện cho hàng ngàn sĩ quan an ninh miền Nam, cán bộ cách mạng hoạt động hợp pháp, an toàn ngay trong vùng địch kiểm soát. Bằng các phương tiện tình báo kỹ thuật, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã phát hiện chính xác ngày, giờ địch tổ chức càn quét, bắn phá, ném bom rải thảm xuống căn cứ của ta để thông báo kịp thời cho Trung ương Cục miền Nam, nhanh chóng tổ chức chuyển quân ra khỏi vùng ném bom hoặc tổ chức phục kích khi địch hành quân; những tin tức tình báo kỹ thuật này đã giúp quân và dân miền Nam từ thế bị động chuyển sang chủ động tác chiến, gây cho địch những tổn thất nặng nề… qua đó đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Ở miền Bắc, hoà bình tuy được lập lại nhưng tình hình vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Để thực hiện âm mưu của mình, Mỹ tiếp tục thực hiện các chiến lược chiến tranh đối với nước ta, Mỹ tập trung tung gián điệp, biệt kích ra miền Bắc để phá hoại và tập trung đàn áp ở miền Nam. Nắm được âm mưu đó, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã tham mưu với Đảng đoàn Bộ Công an đề xuất với Trung ương Đảng thực hiện nhiều biện pháp hậu cần, kỹ thuật chủ động, đáp ứng có hiệu quả yêu cầu của cuộc đấu tranh, qua đó đã góp phần làm thất bại âm mưu “Bắc tiến” và phá sản các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Thời kỳ này, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã không ngừng phấn đấu, làm tròn nhiệm vụ đánh địch trên chiến trường miền Nam và bảo vệ thành quả cách mạng ở miền Bắc. Lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã chủ động tham mưu trong đấu tranh với phản cách mạng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nắm tình hình hoạt động của địch để đề xuất các phương án chiếm lĩnh và tiếp quản vùng giải phóng. 

Từ khi hòa bình lập lại và trong công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho lực lượng CAND, đổi mới tư duy, quan điểm, biện pháp công tác, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, khủng bố, thành lập tổ chức chính trị đối lập trong nước; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Ðặc biệt, trong điều kiện đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác hậu cần, kỹ thuật phải học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức cả về bề rộng và chiều sâu, phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CAND trong thời kỳ mới. Xuất phát từ yêu cầu đó, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã chủ động nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ có tính năng tiên tiến như: nghiên cứu lắp ráp các hệ thống kỹ thuật kiểm soát an ninh trong các trại giam, hệ thống kỹ thuật kiểm soát an ninh công cộng; hệ thống kỹ thuật giám sát từ xa; sử dụng phương tiện kỹ thuật phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, vận hành thành công các thao tác kỹ thuật, làm chủ công nghệ, hỗ trợ hoạt động điều tra tội phạm công nghệ cao; nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều phương tiện kỹ thuật phát hiện tội phạm như: giám định gen, giám định độc chất, đảm bảo trang thiết bị nghiệp vụ, hiện đại, công nghệ cao cho một số lực lượng. 

Bộ trưởng Tô Lâm thăm quan Trung tâm dữ liệu Bộ Công an.

 

Khi đất nước bước sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã làm tốt chức năng tham mưu trong triển khai các đề án, dự án đầu tư chiều sâu, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, ưu tiên cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật tại chỗ đáp ứng các tình huống, yêu cầu trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; trong đó, trọng tâm là việc nâng cấp các hệ thống viễn thông, cơ yếu, tin học và cải tiến, phát triển hệ thống tác chiến điện tử phục vụ các nhiệm vụ lớn của lực lượng CAND. Đổi mới, nâng cấp trang bị cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh với hoạt động bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, khủng bố và hoạt động của tội phạm nguy hiểm. Đầu tư công nghệ hiện đại, đồng bộ, tiên tiến, phục vụ công tác pháp lý và điều tra hình sự. Nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn định mức, trang bị sử dụng cho từng lực lượng phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Từng bước hình thành và đưa Khu Công nghiệp an ninh đi vào hoạt động, bước đầu đáp ứng được nhu cầu trang bị đặc dụng trong lực lượng CAND. Bên cạnh đó, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Quân đội nhân dân đảm bảo về vũ khí, khí tài quân dụng cho lực lượng CAND. Xây dựng và phát triển tin học ứng dụng, mạng máy tính diện rộng đa dịch vụ, đảm bảo liên kết, ứng dụng chặt chẽ từ Bộ đến các đơn vị, địa phương, liên kết các cơ sở dữ liệu nhằm từng bước tăng cường hiệu quả khai thác xử lý thông tin, hình thành hệ thống ngân hàng dữ liệu nghiệp vụ toàn lực lượng CAND. Chủ động, nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổng thể về dự trữ quốc gia đáp ứng tình huống đột xuất.

Những năm gần đây, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã có nhiều nỗ lực cố gắng, bám sát yêu cầu nhiệm vụ của toàn ngành cũng như của từng địa phương, tạo chuyển biến trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu công tác, chiến đấu thường xuyên, đột xuất của các lực lượng. Đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án lớn phát triển tiềm lực hậu cần, kỹ thuật, tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực chuyên ngành. Trụ sở làm việc Công an các cấp được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại; điều kiện làm việc, phương tiện kỹ thuật, vũ khí, khí tài được trang bị hơn trước. Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe được quan tâm hơn; đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam và trên thế giới, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã chủ động, tích cực, không quản ngại khó khăn, xông pha tuyến đầu, tham gia có hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch.

Có thể khẳng định, 75 năm qua, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ghi dấu ấn thầm lặng qua từng chiến công của lực lượng CAND, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp, thành tích to lớn đó, Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền các cấp đã tặng nhiều phần thưởng cao quý cho hàng trăm tập thể, cá nhân làm công tác hậu cần, kỹ thuật trong lực lượng CAND.

Bộ trưởng Tô Lâm cùng Đoàn công tác thăm quan gian trưng bày của Viện Khoa học và Công nghệ.

 

2. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, trong đó, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; công tác hậu cần, kỹ thuật phải chủ động “đi trước” và “tạo nền tảng” cho việc thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng CAND; thời gian tới, lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật CAND cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau: 

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác hậu cần, kỹ thuật CAND. Lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp, trước hết là Thủ trưởng, người đứng đầu phải thực sự phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu đi đầu và nêu gương trong thực hiện các nhiệm vụ; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ, toàn diện, đổi mới, sáng tạo các giải pháp phát triển tiềm lực hậu cần, kỹ thuật phục vụ có hiệu quả công tác, chiến đấu. Quán triệt để cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, có trách nhiệm trong tham gia khai thác, sử dụng có hiệu quả trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng hậu cần, kỹ thuật, qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CAND.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch đối với công tác phát triển tiềm lực hậu cần, kỹ thuật CAND. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, dự báo chiến lược trên lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật; xác định đúng những nhiệm vụ công tác trọng tâm, coi trọng công tác nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình để giúp Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách về đảm bảo hậu cần, kỹ thuật của lực lượng CAND. Chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trên lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật CAND. Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổng thể của toàn ngành trên lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật có tính định hướng, khả thi cao, thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức của lực lượng CAND, bảo đảm tất cả các lực lượng đều được quy định cụ thể về vật chất hậu cần, kỹ thuật. Hoàn thiện quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản trang bị dùng chung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế ở từng đơn vị, địa phương, không để lãng phí trong việc trang bị, mua sắm tài sản công. Xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp an ninh đồng bộ; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa củng cố, huy động tiềm lực và xây dựng, phát triển kinh tế của các doanh nghiệp an ninh. Nghiên cứu hình thành, đầu tư phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ; lựa chọn lĩnh vực công nghiệp an ninh là thế mạnh của lực lượng CAND để đầu tư phát triển thành lĩnh vực mũi nhọn có vị trí quan trọng trong nền công nghiệp quốc gia.

Bộ trưởng Tô Lâm kiểm tra công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện 19-8 Bộ Công an.

 

Ba là, xây dựng kế hoạch chủ động đảm bảo theo phương châm hậu cần, kỹ thuật gắn với công tác nghiệp vụ và trực tiếp tham gia chiến đấu. Ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển tiềm lực đến năm 2025 đối với một số lực lượng trực tiếp chiến đấu để tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2030 lực lượng CAND cơ bản được trang bị hiện đại, ngang tầm một số nước phát triển trong khu vực. Tăng cường công tác quản lý, nắm chắc thực lực về trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện. 

Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về việc ưu tiên hỗ trợ, bổ sung nguồn kinh phí, phương tiện, trang thiết bị và giao quản lý đất, tài sản gắn liền trên đất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; cải cách hành chính, hoàn thiện hạ tầng kiểm soát an ninh các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, cơ sở giam giữ và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tích cực huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ lực lượng CAND trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Bốn là, tăng cường nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại; xác định đúng, trúng, nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ của lực lượng CAND. Tận dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thu hẹp khoảng cách với các lực lượng thực thi pháp luật ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới thông qua tiếp thu, làm chủ và ứng dụng nhanh công nghệ số, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây... Ưu tiên nguồn lực đầu tư nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển hệ sinh thái số, các giải pháp, công nghệ, dịch vụ, phần mềm mới nhằm hỗ trợ các mặt công tác công an. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính và triển khai thực hiện có hiệu quả Chính phủ điện tử; tăng cường chuyển đổi số trong lực lượng CAND; ưu tiên chuyển đổi số nhanh trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Năm là, tiếp tục rà soát kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác hậu cần, kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Hậu cần - Kỹ thuật trong sạch, vững mạnh, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ làm công tác hậu cần, kỹ thuật ngang tầm nhiệm vụ, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Công an. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ hậu cần, kỹ thuật hiện có, đặc biệt là cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, cán bộ y tế; từng bước chuẩn hóa chức danh cán bộ hậu cần, kỹ thuật; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh vi phạm trên lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật./. 

 

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website