Những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

12/12/2017
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018), Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng: “Những đóng góp của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an xin trân trọng giới thiệu tới độc giả toàn văn bài viết của đồng chí Bộ trưởng.

Cách đây 50 năm, vào dịp Tết Mậu Thân 1968 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân, dân ta đồng loạt tấn công vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ- ngụy trên toàn miền Nam. Cuộc tiến công “táo bạo, bất ngờ đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris” (1). Thắng lợi đó là kết tinh của ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" (2); là kết quả của cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng, mưu trí, sáng tạo tuyệt vời, sự hy sinh oanh liệt của đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, trong đó có những đóng góp quan trọng của lực lượng CAND Việt Nam.

1. Thất bại trong chiến dịch mùa khô thứ nhất, từ giữa năm 1966, Mỹ tiếp tục đưa thêm quân đội viễn chinh vào chiến trường miền Nam và ném bom bắn phá miền Bắc ngày càng ác liệt. Trước hành động điên cuồng của địch, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Giữa lúc cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ leo thang đến đỉnh cao nhất, Bộ Chính trị họp bàn về hướng tấn công chiến lược năm 1968 và sau đó Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 thông qua chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân nhằm giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ. Phương hướng, nhiệm vụ là tiến hành tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định (3). Đó là chủ trương chiến lược đúng đắn, quyết đoán và sáng tạo của Đảng, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.

Quán triệt chủ trương chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị, tháng 1/1968, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 22, xác định rõ năm 1968 có một vị trí đặc biệt đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Hội nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CAND là: Giữ vững An ninh miền Bắc, phục vụ tốt công cuộc xây dựng kinh tế và sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước; chi viện tốt cho An ninh miền Nam, đảm bảo yêu cầu trước mắt, đồng thời đáp ứng tình hình cách mạng khi có chuyển biến lớn… Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự giúp đỡ của nhân dân và truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

2. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương của Đảng, lực lượng Công an miền Bắc và An ninh miền Nam tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Một là: Xây dựng lực lượng CAND đủ sức đảm bảo trật tự trị an, chống chiến tranh phá hoại miền Bắc; chủ động và tích cực chi viện An ninh miền Nam về mọi mặt, phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Thư quyết tâm của Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 22 gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẩu hiệu hành động của lực lượng CAND lúc này là: Ra sức xây dựng lực lượng, đảm bảo làm tốt nhiệm vụ bảo vệ An ninh miền Bắc. Thiết thực hưởng ứng cuộc tiến công toàn diện của quân dân miền Nam, toàn thể cán bộ, chiến sĩ CAND hãy tích cực chiến đấu và tăng cường công tác với tinh thần thừa thắng xông lên để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược! Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an hãy tích cực đẩy mạnh thi đua, đấu tranh làm thất bại chiến tranh gián điệp và chiến tranh tâm lý của địch, giữ gìn trật tự, an ninh để bảo vệ miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất đất nước (4). Từ tháng 8/1968 đến tháng 12/1969, Công an thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và một số địa phương khác bắt 49 đối tượng, phát hiện 194 đầu mối nghi vấn, lập 13 hiềm nghi và một số chuyên án gián điệp hoạt động theo phương thức ẩn nấp (5).

CAND là một trong những lực lượng chi viện chiến trường miền Nam sớm nhất, nhiều nhất, đúng lúc, kịp thời, toàn diện về cán bộ, vũ khí, phương tiện kỹ thuật hậu cần... góp phần quan trọng làm chuyển biến tương quan lực lượng, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ miền Nam. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ đầu năm 1955, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định thành lập Tổ cán bộ miền Nam trực thuộc Phòng Tổ chức cán bộ của Bộ Công an và chuẩn bị đội ngũ cán bộ chi viện An ninh miền Nam. Bộ Công an triệu tập, mở lớp học tập, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ bồi dưỡng kiến thức mọi mặt cho cán bộ, chiến sĩ để chi viện An ninh miền Nam. Tất cả cán bộ, chiến sĩ được triệu tập đều phấn khởi, mong muốn sớm được vào chiến trường sát cánh cùng các chiến sĩ An ninh miền Nam chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho. Từ năm 1965 - 1968, Bộ Công an chi viện gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ ưu tú cho An ninh miền Nam; riêng năm 1968 chi viện 788 cán bộ, chiến sĩ cho các chiến trường (6).

Hai là: Đảm bảo thông tin liên lạc bí mật, thông suốt, nhanh chóng phục vụ chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an về tổng tiến công và nổi dậy.

Trong chiến tranh, việc giữ bí mật vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn: “Biết giữ bí mật, tức là ta đã nắm chắc một phần thắng lợi trong tay ta” (7). Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, cán bộ Cơ yếu Công an miền Bắc và An ninh miền Nam ở nhiều địa bàn khác nhau, từ các căn cứ chiến đấu, vùng giải phóng và cả ngay trong sào huyệt của kẻ thù ở Sài Gòn, đã mưu trí dũng cảm bảo vệ tài liệu mật mã, chuyển báo bí mật an toàn về Bộ Công an hàng nghìn nguồn tin tình báo chiến lược có giá trị, giúp Bộ Chính trị, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an kịp thời đánh giá tình hình và chỉ đạo sâu sát đối với cách mạng miền Nam. Hệ thống điện đài, cơ yếu được hình thành, đảm bảo giữ vững thông tin liên lạc giữa Điệp báo An ninh các khu, tỉnh với Ban An ninh Trung ương Cục, kịp thời phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trước và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.

Lớp lớp cán bộ Công an Hà Nội hăng hái lên đường chi viện cho An ninh miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.


Lực lượng Cơ yếu CAND hai miền Nam - Bắc đã mã dịch chuyển báo kịp thời và an toàn nhiều tài liệu quan trọng của lãnh đạo Bộ Công an về một số vấn đề xung quanh việc quản lý các đô thị mới giải phóng cho An ninh Trung ương Cục để chỉ đạo các đơn vị An ninh cơ sở ở miền Nam nghiên cứu tổ chức thực hiện. Công tác liên lạc mật mã được đảm bảo hoàn toàn bí mật, mọi tin tức cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giữ được bí mật, tạo bất ngờ lớn ngay cả đối với cơ quan tình báo Mỹ CIA và Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, Phòng Cơ yếu Bộ Công an đã chuyển gấp cho An ninh Trung ương Cục tài liệu quan trọng: “Gợi ý một số vấn đề xung quanh việc tiếp quản các đô thị mới giải phóng miền Nam”. Tài liệu được mã hoá chuyển báo một cách bí mật, an toàn, kịp thời phục vụ cách mạng miền Nam. Sau này, khi đánh giá vai trò và những đóng góp to lớn của lực lượng Cơ yếu CAND, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Trong mấy chục năm qua, chúng ta đánh giặc, chúng ta biết được rằng: Những lúc quan trọng nhất, những vấn đề bí mật nhất của ta không bị lộ. Các đồng chí đã góp phần rất quan trọng vào việc giữ bí mật, vào sức mạnh chung để giành thắng lợi” (8).

Ba là: Phối hợp với các lực lượng vũ trang mưu trí, dũng cảm, tổ chức đánh thọc sâu vào hang ổ địch, tiêu diệt nhiều tên tay sai đầu sỏ ác ôn, tạo khí thế cách mạng tiến công của quần chúng.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Bộ Công an và Ban An ninh Trung ương Cục, Ban An ninh các khu, tỉnh hướng dẫn An ninh các cấp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng trên cả ba vùng chiến lược, phối hợp thực hiện “hai chân”, “ba mũi” giáp công xuyên suốt trong cả quá trình chiến tranh cách mạng ở miền Nam và thể hiện thành nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh trong quá trình Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Phối hợp với các lực lượng vũ trang, từ ngày 31/1/1968 đến cuối tháng 3/1968, lực lượng An ninh tỉnh Quảng Trị liên tiếp tiến công tìm bắt, tiêu diệt hầu hết các đối tượng tay sai ác ôn ngoan cố trong số tề điệp, cán bộ “bình định”, chỉ điểm, “chiêu hồi”, chiến tranh tâm lý của địch. Lực lượng An ninh cùng với đồng bào tiến hành tốt công tác địch vận, kêu gọi làm tan rã hàng ngũ địch, nên đã có hàng trăm ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát dã chiến bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng (9).

Tại mặt trận Trị Thiên - Huế, cuộc chiến đấu của lực lượng An ninh khu diễn ra vô cùng quyết liệt vừa tham gia phản kích chiếm giữ các vị trí trọng yếu, vừa làm tốt công tác nghiệp vụ của Ngành. An ninh Thừa Thiên Huế đã góp phần xứng đáng cùng toàn quân, toàn dân giành thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Lực lượng An ninh khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định ngay từ đầu đã tập trung toàn lực lượng cho cuộc tiến công và nổi dậy; tổ chức rà soát, nắm tình hình về nội bộ các cơ quan đầu não của địch, phối hợp với các lực lượng tại chỗ mở đường; dẫn đường cho các mũi tiến công đánh vào các mục tiêu trọng yếu; trừ gian diệt ác và những đối tượng phản động đầu sỏ, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy; chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo của Bộ Tư lệnh tiền phương II rút ra căn cứ.
Tại một số địa phương khác, như: Mỹ Tho, Gò Công, Bình Thuận, Bến Tre và Tây Ninh... lực lượng An ninh phối hợp các mũi tiến công quân sự và lực lượng quần chúng đồng loạt tấn công vào các trụ sở cơ quan đầu não của địch, trừng trị ác ôn ngoan cố, tìm bắt tề điệp, cảnh sát, chiêu hồi, bình định, phá thế kìm kẹp của chúng ở nhiều xã, ấp, giành chính quyền làm chủ xã, ấp. Lực lượng An ninh kịp thời khai thác tài liệu thu được, những tên địch bị bắt, đầu hàng, đầu thú để phục vụ kế hoạch tiến công và nổi dậy và bóc gỡ mạng lưới gián điệp, chỉ điểm; truy bắt, trừng trị bọn ác ôn...

Bốn là: Bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, các Bộ Tư lệnh tiền phương tham gia công tác chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở địa phương.

Trước tình hình địch đánh phá ác liệt, Ban An ninh Trung ương Cục hết sức chú trọng, hướng dẫn công tác bảo vệ, nâng cao cảnh giác, phòng gian bảo mật, chống do thám gián điệp, tình báo, chiêu hồi, chiêu hàng của địch và đã bảo vệ an toàn cấp ủy đảng từ Trung ương Cục đến cấp khu, tỉnh, huyện, xã; bảo vệ tuyệt đối an toàn các nhân sĩ, trí thức trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Việc thực hiện quân sự hóa cơ quan, chống phi pháo, chống thám báo, trinh sát, do thám, biệt kích, gián điệp được triển khai ở tất cả các đơn vị. Việc bảo mật phòng gian được quy định chặt chẽ, chống các hoạt động đánh phá ngầm của địch. Cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam trong địa bàn "R". Đặc biệt là tấm gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí và hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ An ninh vũ trang Sài Gòn - Gia Định trong công tác đảm bảo an toàn cho Bộ Tư lệnh tiền phương II ở mặt trận Sài Gòn - Gia Định trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Năm là: Chủ động phục hồi lực lượng tại những vùng địch phản công chiếm giữ, kiên cường bám đất, bám dân, góp phần mở rộng và bảo vệ vững chắc căn cứ cách mạng.

Sau thời gian đầu bị động, địch tập trung lực lượng phản kích rất quyết liệt, gây cho ta nhiều thiệt hại, trong đó có lực lượng An ninh. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của lực lượng An ninh miền Nam. Trong bối cảnh vô cùng phức tạp và ác liệt đó, thực hiện nghị quyết của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của Bộ Công an và chỉ thị của Ban An ninh Trung ương Cục, Ban An ninh các cấp khu, tỉnh phối hợp với quân giải phóng và sự hướng dẫn, giúp đỡ của quần chúng vừa tổ chức tiến công địch vừa xây dựng, phát triển, củng cố lực lượng. Để xây dựng và củng cố tổ chức mạng lưới cơ sở An ninh đáp ứng với tình hình mới, lãnh đạo khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo phân tán nhỏ căn cứ và nới rộng bàn đạp ra các tỉnh xung quanh làm nơi đứng chân; xây dựng nhiều đầu mối giao liên An ninh đảm bảo sự chi viện bên ngoài vào đô thị. Ban An ninh và một số cán bộ còn bám được địa bàn nội đô móc ráp lại cơ sở bị gián đoạn, tiếp nhận chỉ đạo của cấp trên và phát triển rộng ra những cơ sở vừa được chi viện, củng cố mạng lưới điệp báo trong nội thành. Ban An ninh T4 chỉ đạo xây dựng người tại chỗ, từ trong phong trào quần chúng, như phong trào công nhân, phong trào sinh viên, học sinh, phụ nữ... Thông qua xây dựng “lõm an ninh” trong nội đô để xây dựng hệ thống cơ sở mật của An ninh rộng khắp trong thành phố sau này.

Qua 3 đợt Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng CAND mà trực tiếp là lực lượng An ninh miền Nam đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước, giáng một đòn chí tử vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh trúng vào hệ thần kinh trung ương của bộ máy chính quyền Sài Gòn, làm rung động dư luận quốc tế và chính giới Hoa Kỳ. Trong thắng lợi đó, có biết bao đồng chí của chúng ta đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở chiến trường miền Nam; biết bao đồng chí còn đang mang trong mình thương tật và di chứng của chiến tranh. Những hy sinh ấy không thể gì bù đắp được. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND hôm nay mãi mãi khắc ghi công lao và đóng góp của các thế hệ đi trước. Thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, tôi nhờ các cơ quan thông tấn báo chí chuyển lời cảm ơn, lời thăm hỏi ân cần nhất, lời chúc sức khoẻ và cuộc sống thật hạnh phúc đến các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND; các đồng chí thương binh, bệnh binh; thân nhân các gia đình liệt sỹ CAND đang sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc. Sự hy sinh, cống hiến của các đồng chí là những tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, còn mãi với mùa xuân dân tộc.

3. 50 năm đã qua kể từ khi diễn ra Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước kết thúc thắng lợi trọn vẹn; đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế và đã đạt những thành tựu to lớn, toàn diện, trên mọi lĩnh vực.

Trong những năm tới, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục được đẩy mạnh; tình hình thế giới, khu vực sẽ còn diễn biến rất phức tạp, đặt ra cả thời cơ lớn và nguy cơ, thách thức không thể coi thường. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" chống phá cách mạng nước ta với những thủ đoạn mới, tinh vi, thâm độc. Vì vậy, lực lượng CAND cần tăng cường đề cao cảnh giác, thống nhất nhận thức và chấp hành sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, giữ vững tinh thần An ninh chủ động, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Phát huy tinh thần cách mạng tiến công của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, phát huy truyền thống CAND Việt Nam anh hùng, với sự cố gắng mới, một quyết tâm mới, sự nỗ lực cao nhất, nhất định cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng CAND sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ; đóng góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.    

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb. CTQG, Hà Nội-2004, tr.466.

2. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam truyền đi ngày 17/7/1966, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb. CTQG, Hà Nội-2000, tr.108.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 29, Nxb. CTQG, Hà Nội-2000, tr.50.

4. Báo CAND, số 330, ngày 10/2/1968, tr.1.

5. Bộ Công an: 60 năm CAND Việt Nam (1945 - 2005), Nxb. CTQG, Hà Nội-2006, tr.297.

6. Tổng kết lịch sử CAND Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb. CAND - 2017, tr.434.

7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb. CTQG, Hà Nội-2000, tr.469.

8. Trích bài nói của đồng chí Lê Duẩn tại Hội nghị Cơ yếu toàn quốc, tháng 6/1978.

9. Báo CAND, số 364, ngày 12/4/1968, tr.1.

                                                                                                

Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị,
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website