Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là yếu tố hợp thành xã hội chủ nghĩa do Đảng, Nhà nước và nhân dân ta xây dựng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một trong tám phương hướng cơ bản mà Ðảng và nhân dân ta cần phải quán triệt để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Cương lĩnh đề ra. Đến Đại hội XII của Đảng, quan điểm về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội XII khẳng định xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hoá, xã hội. Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Thể chế hóa quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định:
“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
3. Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật; Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, kỷ luật, kỷ cương trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” là yếu tố cốt lõi của Nhà nước pháp quyền và là điều kiện để xây dựng xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Trong điều kiện hiện nay, để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đặt ra đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật để điều chỉnh mọi hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo nền tảng dân chủ và vận hành bộ máy nhà nước đúng nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng và thi hành pháp luật về an ninh, trật tự. Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA ngày 01/8/2017 về tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Thể chế hóa các quan điểm của Đảng về bảo đảm an ninh, trật tự, lực lượng Công an nhân dân đã chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tham mưu với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành nhiều chính sách và văn bản pháp luật có liên quan đến an ninh, trật tự như: Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Căn cước công dân; Luật Công an nhân dân; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; một số chương, điều của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Pháp lệnh Cảnh sát môi trường... Đồng thời, Bộ Công an còn tham gia xây dựng nhiều dự án luật, pháp lệnh khác có liên quan đến an ninh, trật tự, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính; Luật An toàn thông tin mạng; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Tiếp cận thông tin... Đây là các bộ luật, luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường hiệu quả hoạt động điều tra hình sự, quản lý tạm giữ, tạm giam, đấu tranh phòng, chống tội phạm; cụ thể hóa và bảo đảm các quyền của con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Để triển khai thực hiện các luật, pháp lệnh đã được ban hành về an ninh, trật tự, Bộ Công an xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và trực tiếp ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; quản lý xuất nhập cảnh; quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; bảo vệ bí mật nhà nước; quản lý cư trú; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; thi hành án hình sự... tạo hành lang pháp lý để Công an nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, ngày càng hoàn thiện.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, Bộ Công an chủ trì đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, tương trợ tư pháp về hình sự và hợp tác phòng, chống tội phạm, như: Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin; Công ước quốc tế về chống khủng bố bằng bom; Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Công ước ASEAN về chống khủng bố...
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, lực lượng Công an nhân dân đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật nhằm đưa Hiến pháp và pháp luật đi vào cuộc sống; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trong Công an nhân dân, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các quan hệ pháp luật về an ninh, trật tự, tạo môi trường xã hội ổn định, thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Thực hiện Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hàng năm, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức các đoàn kiểm tra và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiến hành nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự; tổ chức rà soát, cập nhật, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chưa sát thực tiễn, khó áp dụng đã được phát hiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, căn cứ vào Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và chương trình công tác của Chính phủ, hàng năm, Bộ Công an đã ban hành các kế hoạch cụ thể hướng dẫn, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương về công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong những năm qua, lực lượng Công an nhân dân các cấp đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, phát động phong trào quần chúng phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giáo dục, cảm hóa người vi phạm pháp luật tại khu dân cư, góp phần xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù, năm 2017, Bộ Công an tổ chức xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ duyệt, ban hành Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2017-2021”.
Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam được Công an các đơn vị, địa phương tổ chức đều đặn, thiết thực, góp phần xây dựng, bồi đắp tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lối sống kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật; động viên, khích lệ toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tích cực tham gia bảo vệ pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật còn một số tồn tại, hạn chế, chưa ngang tầm với yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật. Hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự vẫn chưa thật sự đồng bộ; hiệu lực và tính khả thi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu ổn định, tính dự báo chưa cao. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh về an ninh, trật tự còn chậm. Công tác tổ chức thi hành pháp luật còn yếu, chưa thường xuyên, liên tục, còn xảy ra nhiều sai phạm. Nhận thức về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an ninh, trật tự đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật có nơi, có lúc còn yếu; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm; hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phong phú, nội dung và cách thức truyền đạt chưa phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang thay đổi rất nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự báo. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới về xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền con người, quyền công dân. Để đáp ứng những yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật nói chung, pháp luật về an ninh, trật tự nói riêng, trong thời gian tới lực lượng Công an nhân dân cần tập trung thực hiện tốt các mặt công tác trọng tâm sau:
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi Mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2017. |
Một là, tiếp tục xây dựng các dự án luật, pháp luật để thể chế hoá đường lối, chính sách của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trước mắt, tập trung xây dựng các dự án luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Đảng ủy Công an Trung ương như: dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…; đề xuất Quốc hội sớm đưa dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; cho phép nghiên cứu, xây dựng Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức; Luật Truy nã; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người bị kết án phạt tù; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đặc xá và các dự án luật, pháp lệnh khác có liên quan đến an ninh, trật tự để tiếp tục triển khai Hiến pháp, đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.
Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các luật mới được Quốc hội khóa XIII, XIV thông qua có liên quan đến an ninh, trật tự; đặc biệt là Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Luật Căn cước công dân năm 2014;… xây dựng trình Chính phủ, lãnh đạo liên ngành tư pháp trung ương hoặc trực tiếp ban hành các văn bản quy định chi tiết, biện pháp thi hành các luật trên bảo đảm chất lượng, tiến độ, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp trong Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước.
Hai là, tổ chức thi hành có hiệu quả các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, bảo đảm mọi tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh; mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Công tác điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thấu tình, đạt lý. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh với các tội phạm xảy ra, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng... Chỉ đạo điều tra giải quyết dứt điểm và chủ động phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của nhân dân đối với hoạt động thi hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an; kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng việc thực thi pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân để kịp thời tham mưu với Ðảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự.
Ba là, đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an ninh, trật tự, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất để tăng cường pháp chế trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Chú trọng lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật trong các chuyên mục, chương trình trên các phương tiện truyền thông đại chúng thu hút sự quan tâm của nhân dân, tập trung vào các lĩnh vực: bảo vệ bí mật nhà nước; an toàn thông tin mạng; phòng, chống mua bán người; phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm về ma túy và tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Phát huy vai trò của báo chí trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Kết hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thông quốc gia và hệ thống truyền thông các địa phương; gắn kết truyền thông với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương.
Bốn là, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn về xây dựng, thi hành pháp luật và tăng cường pháp chế, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của Công an các đơn vị, địa phương; xác định những khó khăn, vướng mắc phù hợp để kiến nghị, chủ động sửa đổi, bổ sung kịp thời; phát hiện những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra để tổ chức nghiên cứu, bổ sung vào lý luận Công an nhân dân. Tổng kết thi hành pháp luật trên các mặt công tác Công an, tập trung vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; phòng, chống oan, sai trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Chủ động nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm về xây dựng văn bản pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật về an ninh, trật tự của các nước; rà soát, tiếp tục đề xuất gia nhập, ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế đa phương, các hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án với các nước, nhất là các nước có đông người Việt Nam sinh sống, các nước có đặc điểm tương đồng về kinh tế, văn hóa, xã hội...
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra thi hành pháp luật nói chung, về lĩnh vực an ninh, trật tự nói riêng đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lựa chọn nội dung trọng điểm trong kiểm tra, khảo sát thi hành pháp luật nhằm xem xét, đánh giá thực trạng, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập, kiến nghị thực hiện các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác. Đề xuất Quốc hội ban hành Luật Theo dõi thi hành pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác theo dõi, thi hành pháp luật giữa các bộ, ban, ngành, địa phương được thống nhất trong cả nước.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ chiến lược cần tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 08-NQ/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương. Thực hiện xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân./.