Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là những lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHXN, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước. Xuất phát từ đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trở thành một yêu cầu tất yếu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung và để từng lực lượng hoàn thành trọng trách của mình mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Những năm qua, mối quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội luôn có sự quan tâm đặc biệt và đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng, quản lý của Nhà nước, mà trực tiếp là của Đảng uỷ Quân sự Trung ương và lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Đảng uỷ Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an. Xuất phát từ quan điểm: “Kết hợp chặt chẽ giữa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đối ngoại”, việc tăng cường quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc; các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; qui định của pháp luật như Luật về An ninh quốc gia, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp...
Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý của chính quyền, mối quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đã không ngừng được củng cố, phát triển và mang lại hiệu quả ngày càng cao. Đảng uỷ Công an Trung ương và Đảng uỷ Quân sự Trung ương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thể chế hoá, cụ thể hoá mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa hai Bộ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Để đáp ứng yêu cầu mới đạt ra, lãnh đạo hai Bộ đã phối hợp tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107 ngày 02/6/2003 về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” và ngày 12/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77 về “Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng”. Các văn bản quan trọng nêu trên đã thực sự trở thành nhân tố thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đầy đủ, hoàn thiện để sự phối hợp giữa hai lực lượng ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả và nề nếp, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, trong điều kiện tình hình an ninh thế giới, khu vực và những nhân tổ gây mất an ninh, trật tự ở nước ta có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vững vàng về chính trị, trung thành tuyệt đối của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, chúng ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước. Mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là một nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội thời gian qua.
Nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của sự phối hợp giữa hai Bộ, thời gian qua Văn phòng Bộ Công an (Đồng thời là Văn phòng Đảng uỷ Công an Trung ương) đã làm tốt vai trò cơ quan tham mưu, thường trực của Bộ Công an trong triển khai, duy trì và đẩy mạnh công tác phối hợp giữa hai lực lượng. Văn phòng Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tham mưu của Bộ Quốc phòng (Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu) thực hiện tốt chức năng thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Qui chế phối hợp. Việc giao ban định kỳ đã được duy trì, tiến hành thường xuyên giữa Văn phòng Bộ Công an và Cục Tác chiến Bộ Quốc phòng để thống nhất đánh giá tình hình, kết quả công tác phối hợp giữa hai lực lượng, từ đó tham mưu có hiệu quả cho Thủ trưởng hai Bộ trong chỉ đạo phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Duy trì Giao ban định kỳ cấp Bộ (6 tháng và 01 năm) nhằm thống nhất nhận định, đánh giá tình hình, thống nhất chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng vũ trang. Trên cơ sở qui định của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an các lực lượng, các đơn vị nghiệp vụ thuộc hai Bộ, cũng như Công an, Quân sự và Biên phòng các địa phương đã duy trì và tăng cường các hình thức phối hợp thường xuyên hoặc đột xuất khi có yêu cầu (Giao ban, trao đổi thông tin, hỗ trợ, phối hợp hành động…). Có thể thấy, việc duy trì các hình thức trên, cùng với việc chuẩn bị chu đáo và không ngừng cải tiến về nội dung đã giúp cho chất lượng, hiệu quả sự phối hợp giữa hai lực lượng ngày càng được nâng lên, qua đó giải quyết kịp thời những vấn đề từ đòi hỏi của thực tiễn tình hình, không để bị động, bất ngờ.
Nội dung phối hợp giữa hai Bộ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội đã ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác trao đổi thông tin và phối hợp kiểm tra xác minh thông tin được kịp thời, chính xác, duy trì thành nề nếp, ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Lực lượng Công an nhân dân đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự trên khu vực biên giới, vùng biển đảo. Sự phối hợp giữa hai lực lượng đã góp phần to lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Lực lượng Quân sự, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường phối hợp phát hiện, bắt giữ tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, vận chuyển, buôn bán ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại… trên tuyến biên giới. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã phối hợp đạt kết quả tốt trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ. Phối hợp tổ chức diễn tập phương án phòng chống các hoạt động "diễn biến hoà bình", khủng bố, cứu hộ, cứu nạn; triển khai các phương án bảo vệ sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh ở các địa bàn chiến lược, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Trong công tác quản lý nhà nước, hai Bộ đã thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra việc thực hiện về công tác xuất nhập cảnh, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công tác quản lý cư trú, trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy. Hai lực lượng cũng đã phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng lực lượng, bảo vệ chính trị nội bộ lực lượng vũ trang.
Từ quá trình phối hợp giữa hai lực lượng, nhận thức của chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ trong Công an, Quân đội về tình hình, nhiệm vụ và trách nhiệm phối hợp giữa hai lực lượng có nhiều chuyển biến tích cực. Tình đoàn kết, hiểu biết, gắn bó giữa hai lực lượng ở tất cả các cấp ngày càng sâu sắc hơn. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, điều hành của chính quyền và trách nhiệm các ngành, các đoàn thể quần chúng trong phối hợp với lực lượng Quân đội, Công an được tăng cường hơn. Sự tin yêu, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân đối với lực lượng Công an, Quân đội trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ngày càng tốt hơn.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc, đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Trong đó, các thế lực phản động luôn tìm cách để tấn công nhằm chia rẽ, phá hoại nội bộ các lực lượng vũ trang, tăng cường các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc nhằm thực hiện ý đồ “phi chính trị hoá”, vô hiệu hoá Quân đội và Công an, chia rẽ giữa Công an với Quân đội, chia rẽ giữa Quân đội và Công an với nhân dân. Những nhân tố có thể gây mất ổn định chính trị - xã hội ở trong nước vẫn chưa bị đẩy lùi, có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp hơn. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, tác động của mặt trái cơ chế thị trường, của toàn cầu hoá, đô thị hoá… đang làm gia tăng những yếu tố phức tạp đối với an ninh, trật tự của đất nước. Đòi hỏi lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải tăng cường phối hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong đó cần tập trung vào một số nội dung công tác sau đây:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và những nhiệm vụ của công tác phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và nhiệm vụ quốc phòng. Cần quán triệt, nhận thức sâu sắc rằng sự phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là một nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và nhân dân, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong thời gian tới.
2. Tập trung cụ thể hoá, phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Phối hợp tham mưu cấp ủy chính quyền để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân. Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng của các đơn vị, các cấp trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả, phát huy hết khả năng, sức mạnh của từng lực lượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng trao đổi thông tin giữa hai lực lượng, đánh giá, dự báo tình hình liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước các biện pháp giải quyết, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường phối hợp diễn tập, xử lý các tình huống phức tạp xảy ra như: khủng bố, bắt cóc con tin, gây rối an ninh, trật tự… để chủ động phối hợp ứng phó, giải quyết khi có tình huống xảy ra.
4. Khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả cao các nội dung phối hợp được quy định trong Nghị định số 77 ngày 12/7/2010 của Chính phủ về quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Sớm chỉ đạo xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định để nhanh chóng triển khai thực hiện.
5. Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu. Phối hợp hiệu quả trong công tác đào tạo cán bộ, bảo vệ nội bộ lực lượng vũ trang. Chăm lo nâng cao phẩm chất cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân trong điều kiện mới.
6. Từ nội dung, hình thức, phương pháp, biện pháp trong việc duy trì và tăng cường quan hệ phối hợp giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân vừa qua, thời gian tới cần tiếp tục thể chế hoá và triển khai thực hiện nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với các Bộ, ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước./.