Triển khai Ngày Pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân

06/11/2017
Hưởng ứng Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2017 (09/11), Thượng tướng, TS Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an có bài viết quan trọng: “Triển khai Ngày Pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân”. Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của đồng chí Thứ trưởng.

Cách đây 71 năm, ngày 09 tháng 11 năm 1946 đã đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam khi Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - bản Hiến pháp thể hiện tư tưởng dân chủ, pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tất cả các bản Hiến pháp sau này của Nhà nước ta. Xuất phát từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013) đã lấy ngày 09 tháng 11 là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc Quốc hội chọn ngày 09 tháng 11 là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ý nghĩa chính trị - pháp lý quan trọng, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân; đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật, tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hướng tới việc xây dựng nền văn hóa pháp lý hiện đại, đậm bản sắc dân tộc.

Sau Lễ công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Chính phủ, tháng 11 năm 2013, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Công an đã ban hành các kế hoạch và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Căn cứ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn tình hình công tác, chiến đấu, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, bước đầu đã đem lại hiệu quả, thể hiện sự nhiệt tình, tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và gương mẫu trong việc thực thi pháp luật.

Với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, đảm bảo cho Hiến pháp, pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đã đặc biệt quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản phục vụ cho việc triển khai thi hành và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013. Trong hơn 04 năm qua, đã có gần 100 văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư, thông tư liên tịch do Bộ Công an chủ trì soạn thảo được ban hành, trong đó có nhiều văn bản quan trọng như: Luật Công an nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Căn cước công dân, Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ… Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện để lực lượng Công an nhân dân thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, có tầm quan trọng rất lớn trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội, đặc biệt là trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân, Bộ Công an luôn coi đây là khâu đầu tiên của việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật, là cầu nối để đưa Hiến pháp, pháp luật vào cuộc sống. Vì thế, Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm, có kế hoạch cụ thể hướng dẫn, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức tốt việc quán triệt, tập huấn và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản liên quan đến an ninh, trật tự, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hiểu, nắm vững pháp luật và thực thi nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật. Kết quả thực hiện Ngày Pháp luật trong những năm qua cho thấy, nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương về Hiến pháp, pháp luật và thực thi Hiến pháp, pháp luật ngày càng được nâng cao; công tác thi hành và áp dụng pháp luật được thực hiện thống nhất, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch; ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Điểm nhấn đầy ý nghĩa của hoạt động triển khai Ngày Pháp luật những năm qua là việc phát động và tổ chức thực hiện cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp năm 2013. Đây thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý có sức lan tỏa, có ảnh hưởng lớn trong toàn lực lượng Công an nhân dân. Với hơn 300.000 bài dự thi của cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên Công an nhân dân, cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 đã trở thành cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong Công an nhân dân có quy mô lớn nhất, có số người tham gia dự thi đông nhất; kết quả chấm thi cho thấy, cuộc thi có chất lượng, thiết thực và hiệu quả, góp phần đưa nội dung, tinh thần của Hiến pháp vào thực tiễn công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng của Công an các đơn vị, địa phương.

Qua công tác triển khai thực hiện, Ngày Pháp luật trong Công an nhân dân đã bước đầu thu được những kết quả quan trọng. Nhiều quy định của Hiến pháp, pháp luật, nhất là những nội dung mới, các quy định gắn với đời sống hàng ngày của nhân dân, với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân đã được phổ biến rộng rãi, giúp cán bộ, chiến sĩ, người lao động, nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần xây dựng xã hội tự học tập, tìm hiểu Hiến pháp và pháp luật; xây dựng lòng tin, tình cảm đối với pháp luật và bồi dưỡng văn hóa pháp lý; giúp mỗi người dân bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và xã hội. Từ những kết quả bước đầu này, có thể khẳng định, việc triển khai Ngày Pháp luật đã được cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vận dụng đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, thể hiện đầy đủ nội dung, tinh thần và ý nghĩa là một ngày hội tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của mọi người trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cần nghiêm túc nhìn nhận rằng, việc hưởng ứng Ngày Pháp luật trong Công an nhân dân vẫn còn một số hạn chế như: lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật; nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật ở Công an một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa đi vào chất lượng và tính hiệu quả; trình độ, chất lượng, nghiệp vụ, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhất là ở cơ sở còn hạn chế; cơ chế kiểm tra, theo dõi còn chưa chặt chẽ, chế độ thống kê, báo cáo ở Công an một số đơn vị, địa phương còn chậm.

Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký xây dựng Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù giai đoạn 2017-2021.


Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi thì cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tại một số địa bàn, khu vực còn diễn biến phức tạp; trong đó, nổi lên là sự công kích, chống đối của các thế lực thù địch trong ngoài; sự gia tăng của một số loại tội phạm như: tội phạm sử dụng công nghệ cao, mua bán người, tội phạm chống người thi hành công vụ; tội phạm sử dụng vũ khí … Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; hiện tượng “nhờn luật”, coi thường pháp luật vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Trước bối cảnh và yêu cầu, nhiệm vụ nói trên, việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội nói chung, cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng là rất cần thiết và cấp bách. Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, phát huy hơn nữa ý nghĩa và hiệu quả thiết thực của Ngày Pháp luật, lực lượng Công an nhân dân cần tập trung làm tốt một số công tác trọng tâm sau:

Một là, Công an các đơn vị, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; gắn công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật với công tác chuyên môn nghiệp vụ. Phải xác định việc xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật là cơ sở cần thiết, chỗ dựa vững chắc cho công tác chuyên môn nghiệp vụ; ngược lại, công tác chuyên môn nghiệp vụ là cơ sở thực tiễn để xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự. Vì vậy, cần thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn, dự báo, phân tích, đánh giá khả năng phản ứng và tác động xã hội trước khi xây dựng, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, tập trung thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công an, bảo đảm chất lượng và tiến độ trong các chương trình, kế hoạch đã đề ra; chủ động nghiên cứu gia nhập các điều ước quốc tế đa phương và đàm phán ký kết các điều ước quốc tế song phương liên quan đến an ninh, trật tự; tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế đã gia nhập và ký kết để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hai là, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cần thường xuyên trau dồi ý thức pháp luật, tích cực học tập, nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực thực thi Hiến pháp, pháp luật, coi đó là tiêu chuẩn không thể thiếu trong đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ. Đối với lãnh đạo, chỉ huy, phải gương mẫu trong việc học tập, nâng cao trình độ về pháp luật và tích cực rèn luyện về năng lực chỉ đạo, chỉ huy, điều hành nhiệm vụ được giao trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; có biện pháp khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót, ngăn ngừa sai phạm của cán bộ, chiến sĩ trong việc thực thi nhiệm vụ

Ba là, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương phải cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân để tham mưu với cấp có thẩm quyền trong việc thực thi và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác; có biện pháp chủ động đấu tranh, phòng, chống mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong xây dựng pháp luật, kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng việc xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bốn là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 – 2021 (ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTG ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, Công an nhân dân phải xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về an ninh, trật tự là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện các quy chế phối hợp trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm cho Hiến pháp, pháp luật được nhận thức đầy đủ và đi vào cuộc sống; gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Năm là, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho việc xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật; thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật để phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại, thiếu sót, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Việc tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Luật Phổ biến giáo dục, pháp luật là quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là dịp để mọi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật. Do vậy, Ngày Pháp luật phải được tiến hành trong toàn lực lượng Công an nhân dân theo đúng kế hoạch, hướng dẫn chỉ đạo của Bộ và cơ quan có thẩm quyền. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải tiền phong gương mẫu và là tấm gương sáng trong việc chấp hành, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, để từ đó lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật, bảo vệ an ninh, trật tự./.

Thượng tướng, TS Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website