Chó nghiệp vụ - những chiến binh đặc biệt trong phòng chống tội phạm

13/12/2024
Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an nhân dân đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những chú chó nghiệp vụ không chỉ là “cánh tay đắc lực” của lực lượng Công an mà còn là những chiến binh thầm lặng góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

65 năm xây dựng và trưởng thành

Chó nghiệp vụ tập luyện tình huống đánh bắt đối tượng.


Ngày 15/12/1959, lớp đào tạo cán bộ huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ đầu tiên của Việt Nam với 44 học viên được khai giảng tại Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân). Từ đó, ngày 15/12 hằng năm được chọn làm Ngày truyền thống của lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an nhân dân.  

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an nhân dân nói chung và của Công an tỉnh Kon Tum nói riêng luôn vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Chiến công thầm lặng

Kể về những chiến công của lực lượng chó nghiệp vụ Công an tỉnh Kon Tum, không thể không nhắc đến vai trò của lực lượng này khi tham gia bắt các đối tượng cướp xe hãng Suntaxi tại tỉnh Gia Lai và tháo chạy theo hướng Kon Tum đi Đà Nẵng vào năm 2015. Khi nhận được tin báo, tại Km1429, đường Hồ Chí Minh trên đèo Lò Xo, lực lượng chức năng Công an tỉnh Kon Tum đã dừng xe để kiểm tra. Bị phát hiện các đối tượng ngồi trên xe đã nhanh chóng mở cửa xe và bỏ chạy trốn vào rừng, do địa hình đèo núi hiểm trở công tác truy đuổi gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình này, lãnh đạo Công an tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo huy động lực lượng chó nghiệp vụ vào cuộc. Nhờ khả năng truy vết mùi hơi, lực lượng chức năng đã nhanh chóng bắt giữ các đối tượng, gồm: Lương Tuấn Vinh (sinh năm 1995, trú TP.Hồ Chí Minh), Kim Hào Nam (sinh năm 1989, trú TP Đà Nẵng) và Nguyễn Văn Hội (trú TP Bảo Lộc, Lâm Đồng).  

Năm 2019, chó nghiệp vụ tiếp tục lập chiến công trong vụ truy bắt Trần Trung Hùng (biệt danh “Gióng”), đối tượng nguy hiểm có hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bảo kê, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Cũng cùng năm đó, lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an tỉnh cùng chó nghiệp vụ cũng tham gia triệt phá một vụ án ma túy lớn tại Công ty Xuất nhập khẩu Đồng An Viên, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, giúp bắt quả tang, khống chế nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi sản xuất trái phép chất ma túy.  


Lực lượng Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an tỉnh Kon Tum cùng chó nghiệp vụ tham gia đánh ma túy tại Công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên.
 

Hiện nay, Công an tỉnh Kon Tum có 05 chó nghiệp vụ chuyên khoa bảo vệ và phát hiện mùi hơi người; các chú chó này đều đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về thể hình, thần kinh và khả năng chiến đấu. Các cán bộ làm nhiệm vụ huấn luyện cũng đều được đào tạo bài bản từ Trường Huấn luyện về quản lý và sử dụng động vật nghiệp vụ của Bộ Công an.

Trong năm 2024, Đội quản lý, huấn luyện và sử sụng động vật nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Cơ động đã tổ chức 30 buổi huấn luyện cơ bản; 35 buổi huấn luyện các phương án đánh bắt, tấn công đối tượng, giải tán đám đông, gây rối mất an ninh trật tự; 20 buổi hành quân 05 km đường bộ; tham gia 150 lượt tuần tra ban đêm, tuần tra bảo vệ các mục tiêu quan trọng. Qua đó, giúp lực lượng Cảnh sát Cơ động phát hiện 06 vụ việc liên quan đến ma túy, 01 đối tượng mang theo hung khí nguy hiểm và 01 vụ việc có hành vi chống đối lực lượng tuần tra, kiểm soát gây thương tích.

Chăm sóc, huấn luyện khắt khe

Đặc thù chó nghiệp vụ là lực lượng chiến đấu đặc biệt nên từ khâu lựa chọn giống chó nghiệp vụ cũng tuân thủ theo quy trình khắt khe. Các giống chó Malinois, Becgie, Rottweiler là các giống thường được sử dụng với những ưu thế vượt trội về thể hình, tốc độ, khả năng đánh hơi và chiến đấu. Các chú chó được tuyển chọn, nuôi dưỡng, huấn luyện để trở nên thông minh, mạnh mẽ, gan dạ, tuyệt đối trung thành và khả năng tuân thủ mệnh lệnh trong huấn luyện, giúp chúng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công việc.

Tại Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động - Bộ Công an, chó nghiệp vụ từ khi sinh ra đến 01 năm tuổi được nuôi dưỡng, huấn luyện, sàng lọc tại đơn vị trước khi bàn giao cho các Cục nghiệp vụ và Công an tỉnh, thành trên toàn quốc. Theo quy trình các bài tập đi dần từ dễ đến khó, bắt đầu từ các động tác ngồi, đứng, lăn, bò, leo cầu, bật tường... đến các bài luyện tập nâng cao như đánh hơi, truy vết, bơi lội, cắn... Sau khi phân về các đơn vị, địa phương, chó nghiệp vụ tiếp tục được duy trì nghiêm ngặt quy trình tập luyện, rèn luyện thể lực để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi cần thiết. Quá trình huấn luyện cho thấy, với điều kiện khí hậu như ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và ở tỉnh Kon Tum nói riêng thì giống chó Malilois của Bỉ là phù hợp nhất để phục vụ công tác huấn luyện, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Chăm sóc chó nghiệp vụ sau huấn luyện.

 
Trung tá Phan Thanh Chung, Phó Đội trưởng Đội Quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Cơ Động, Công an tỉnh Kon Tum cho biết: Cán bộ, chiến sĩ làm công tác huấn luyện chó nghiệp vụ cũng phải tinh thông nghiệp vụ, vững vàng pháp luật. Họ phải áp dụng những kiến thức được học và từ những kinh nghiệm công tác, khả năng sáng tạo để tổ chức luyện tập liên tục. Bởi nếu không được tập và rèn luyện kỹ năng thường xuyên tạo thành thói quen, các phản xạ có điều kiện của chó nghiệp vụ thì rất dễ bị mai một. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng phương án nâng cao năng lực làm việc cho chó nghiệp vụ để có thể đáp ứng được các tình huống trong thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm.

Sau công tác tập luyện thì chế độ chăm sóc chó nghiệp vụ cũng rất được quan tâm, không giống như chó cảnh, chó nghiệp vụ rất năng động và tiêu hao nhiều năng lượng, do vậy chế độ ăn của chó nghiệp vụ có hàm lượng dinh dưỡng rất cao gồm các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà, các loại trứng và được ăn bổ sung sau những đợt huấn luyện nâng cao hoặc trong thời gian phục vụ công tác đặc biệt. Lúc những chú chó bị ốm, chấn thương trong quá trình tập luyện, cán bộ huấn luyện phải luôn túc trực theo dõi, cho ăn, tiêm thuốc, truyền dịch để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho chó nghiệp vụ.

Trải qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Công an nhân dân nói chung và của Công an tỉnh Kon Tum nói riêng đã trở thành vũ khí đặc biệt giúp cho các đơn vị nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh, triệt phá thành công các loại tội phạm, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm, khẳng định vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia và đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm giữ gìn sự bình yên cuộc sống.
 

 

Lai Phúc - Hoàng Thanh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website