Tham dự Hội thảo có Trung tướng, TS Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường; Đại tá Khaophone PhommaChanh, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Lào. Cùng dự có các chuyên gia quốc tế, đại biểu các bộ ngành chức năng, Công an một số địa phương nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và các cơ quan, ban ngành, Công an các đơn vị, địa phương của Việt Nam.
|
Hội thảo được tổ chức từ ngày 10 - 11/12/2024 tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. |
“Hội thảo song phương Việt Nam - Lào phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã và rủi ro dịch bệnh" là sáng kiến của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an Việt Nam nhằm trao đổi, thảo luận đánh giá tình hình, đề ra giải pháp phối hợp tăng cường hợp tác, tạo ra sức mạnh đẩy lùi nguy cơ, tiến tới giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường nói chung và phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã nói riêng. Thông qua Hội thảo cũng góp phần tăng cường năng lực cho các cán bộ tuyến đầu trong việc phát hiện, phòng ngừa rủi ro lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người trong công tác phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Trần Minh Lệ nhấn mạnh: Hội thảo sẽ không chỉ đánh giá những thành quả đã đạt được mà còn thảo luận về những tồn tại, khó khăn, đồng thời đưa ra các giải pháp, phương hướng hoạt động, cơ chế phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra một bước tiến mới trong công tác phòng, chống và kiểm soát tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã giữa hai nước Việt Nam - Lào, phát huy hơn nữa những nỗ lực tổng hợp trong cuộc đấu tranh phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, bảo vệ đa dạng sinh học và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật.
|
Trung tướng Trần Minh Lệ phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Đồng thời, hội thảo cũng là một hoạt động có ý nghĩa góp phần hiện thực hóa lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đó là “chúng ta đã tích lũy đủ thế và lực, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh... góp phần xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu".
Tại Hội thảo, lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an khẳng định quyết tâm của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Việt Nam nhằm hợp tác chặt chẽ hơn nữa với cộng đồng quốc tế, các nước trong khu vực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường nói chung và buôn bán trái phép động vật hoang dã nói riêng, đặc biệt là với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường phòng chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2024” của Chính phủ Việt Nam cũng như bảo vệ môi trường sống lành mạnh, vì sự phát triển bền vững của mỗi dân tộc.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Hội thảo sẽ diễn ra trong 02 ngày 10 và 11/12/2024. Chương trình hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung: Công tác phối hợp liên ngành trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra, bắt giữ trong các vụ việc, vụ án liên quan đến động vật hoang dã; Kiến nghị hoàn thiện luật pháp quốc gia về phòng chống tôi phạm liên quan đến động vật hoang giã và bệnh lây truyền từ động vật sang người; Đề xuất kế hoạch hành động, phối hợp Việt Nam - Lào trong phòng chống tội phạm động vật hoang dã và nguy cơ dịch bệnh. Trong Chương trình hội thảo, các đại biểu cũng sẽ khảo sát thực tế tại Cảng Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để xác định rủi ro các hoạt động có nguy cơ cao và các điểm tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh từ động vật sang người.
Trong 02 năm 2023 và 2024, Công an các đơn vị, địa phương cả nước đã phát hiện 3023 vụ/3384 đối tượng liên quan đến vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, hủy hoại rừng và bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, động thực vật; đã khởi tố 908 vụ/1180 đối tượng. |