Báo cáo tổng kết tại Hội nghị nêu rõ, trong thời gian qua, cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho công tác PCCC, Ủy ban nhân dân các địa phương đã quan tâm chỉ đạo gắn việc PCCC trong quy hoạch chung. Phong trào toàn dân tham gia PCCC đã có những bước phát triển đáng kể, công tác PCCC đã từng bước được xã hội hóa và đi vào chiều sâu. Với vai trò nòng cốt, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đã tập trung các biện pháp xây dựng lực lượng ngày càng phát triển lớn mạnh.
Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong 10 năm (2001 – 2011), trên cả nước đã xảy ra 22.876 vụ cháy, làm chết và bị thương 2.536 người; thiêu hủy về tài sản trị giá 4.187 tỷ đồng. Do ý thức PCCC của một bộ phận cán bộ, công nhân viên chức chưa cao, công tác xử lý vi phạm các quy định an toàn PCCC chưa nghiêm nên tình trạng vi phạm các quy định an toàn PCCC còn diễn ra ở nhiều nơi. Tại nhiều đơn vị, cơ sở, lực lượng PCCC tại chỗ không duy trì hoạt động thường xuyên nên khi xảy ra cháy, không phát hiện được và xử lý lúng túng…
Về công tác CNCH, chưa có văn bản pháp luật hiện hành nào quy định lực lượng chuyên trách đảm nhiệm đối với công tác này trong các tai nạn, sự cố mà giao cho nhiều lực lượng khác nhau thực hiện nên việc tổ chức CNCH thường lúng túng, chậm trễ do không có sự chỉ đạo tập trung thống nhất dẫn tới hiệu quả không cao.
Vì những lý do trên, ngày 17/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1110/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; ngày 15/10/2012, ký ban hành Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC.
|
Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị các cấp, ngành và địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Phòng cháy và chữa cháy, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phát huy những kết quả đạt được trong phong trào toàn dân tham gia PCCC, thực hiện tốt chủ trương xây dựng và nhân điển hình tiên tiến về PCCC, nghiên cứu áp dụng, nhân rộng những mô hình tiêu biểu có hiệu quả trong phong trào toàn dân PCCC; tiếp tục quan tâm đầu tư ngân sách cho công tác PCCC, CNCH nói chung và cho lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH nói riêng. Tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác PCCC các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và đảm bảo chế độ, chính sách cho các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở và chuyên ngành, đồng thời có chính sách bồi thường thỏa đáng thiệt hại cho nhân dân trong quá trình tổ chức chữa cháy...
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng yêu cầu Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác CNCH trên địa bàn, rà soát, xây dựng, hoàn chỉnh danh mục trang thiết bị phương tiện CNCH còn thiếu để đề xuất bổ sung phù hợp với từng giai đoạn của địa phương; đề xuất bổ sung chính sách đặc thù cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Tiếp tục triển khai việc thành lập các Sở Cảnh sát PCCC tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về cháy, nổ; trước mắt trong năm 2013 thành lập 05 Sở Cảnh sát PCCC tại các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Đăk Lăk và Bà Rịa – Vũng Tàu. Nghiên cứu, xây dựng Đề án báo cáo Chính phủ thành lập Tổng cục Cảnh sát PCCC và CNCH đáp ứng công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và hướng dẫn nghiệp vụ PCCC và CNCH trong tình hình mới./.