Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế các tỉnh Tây Nguyên trong một số lĩnh vực đã có chuyển biến tích cực. GDP toàn vùng tăng 7,34%; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 29.000 tỷ đồng (tăng 5,46%); chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng 8,65%; nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất và hoạt động ổn định; kim ngạch xuất khẩu đạt 967 triệu USD.
Các chương trình, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được các cấp, các ngành chủ động thực hiện, trọng tâm là hỗ trợ trực tiếp và cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo; nhiều địa phương đẩy mạnh đầu tư cho chương trình xây dựng, phát triển buôn làng vùng DTTS. Công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; các nguồn lực y tế được đầu tư gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các cấp học, bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông đều tăng cả số trường, số lớp, số học sinh. Các tỉnh thực hiện tốt chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học, quan tâm đến công tác cử tuyển ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.
|
Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị. |
Trong 6 tháng đầu năm 2015, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn Tây Nguyên như Dự án cải tạo nâng cấp đường Hồ Chí Minh đã được đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành thời gian thông tuyến theo đúng dự kiến (vượt 18 tháng so với Nghị quyết của Quốc hội). Việc triển khai các dự án khác như: Nâng cấp Sân bay Pleiku (Gia Lai), nâng cấp các Quốc lộ 20, 28,26; công tác giải quyết xử lý tồn đọng tại các dự án thủy điện...cũng tích cực được triển khai, góp phần ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng Tây Nguyên.
Để đạt được những thành quả trên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tập trung vào những nội dung trọng tâm và tham gia giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách trên địa bàn. Mối quan hệ phối hợp giữa các thành viên ở Bộ, ngành, các tỉnh, các cơ quan của Trung ương đứng chân trên địa bàn với Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục được tăng cường, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đẩy mạnh tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã biểu dương những kết quả công tác mà Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các bộ, ngành và các địa phương đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2015. Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của các mặt công tác. Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh giai đoạn 2011-2015, đối với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng lưu ý cần tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết thống nhất, giữ gìn triệt để nguyên tắc, kỷ cương của Đảng, Nhà nước; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa nhiệm vụ xây dựng Đảng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại; chủ động phòng ngừa trên cơ sở giữ vững bên trong – vấn đề có ý nghĩa quyết định; lấy tấn công để phòng ngừa; xác định “tự bảo vệ” là nội dung cốt lõi của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân.
|
Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Kịp thời kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Tập trung phối hợp, đôn đốc thực hiện các cam kết đầu tư và hỗ trợ an sinh xã hội tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để huy động các nguồn vốn phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và phụ cận; đề xuất các giải pháp về cấp nước, phòng chống lũ, rà soát, tu bổ các hồ chứa, bảo đảm an toàn hồ đập. Sớm thống nhất ý kiến về chủ trương thành lập “Quỹ phát triển Cà phê Việt Nam”.
Tập trung chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 1951/QĐ-TTg ngày 01/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015. Quan tâm chăm lo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Tập trung bảo đảm an ninh, an toàn Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và những sự kiện, những ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2015. Tăng cường phối hợp, chỉ đạo công tác nắm tình hình, đảm bảo an ninh biên giới; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Tăng cường thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với các địa phương của Lào và Campuchia; đề xuất giải pháp, phục vụ công tác phân giới, cắm mốc giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Tăng cường trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm hình sự, tội phạm kinh tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao; bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và cuộc sống yên bình của nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông; thực hiện có hiệu quả các biện pháp để giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Ngăn chặn triệt để hành vi nguy hiểm ném đá vào xe đang lưu thông trên đường.
Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ các cấp; đôn đốc việc thu hẹp số buôn, làng chưa có chi bộ đảng để hoàn thành mục tiêu trước Đại hội XII theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quyết định số 124/QĐ-TTg về “Phê duyệt đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020” tại 5 tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên.
|
Bộ trưởng Trần Đại Quang trao Bằng khen của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 16 và trong nhiệm vụ thi công đường Hồ Chí Minh. |
Về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 16/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động Fullro đang nhen nhóm phục hồi trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên”, Bộ trưởng Trần Đại Quang lưu ý: Trong thời gian tới, cần tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tập trung bóc gỡ, xử lý số cơ sở nội địa của các tổ chức phản động người Việt lưu vong khác đang tìm cách cắm chân tại địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh giáp ranh. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, cảm hoá số đối tượng liên quan đến Fullro đang sinh sống ở cộng đồng; coi đây là công tác thường xuyên, lâu dài, đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp uỷ đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể và các lực lượng.
Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, bồi dưỡng ý thức chính trị, xây dựng họ thành lực lượng tin cậy, đóng góp đắc lực vào việc xây dựng buôn làng, ổn định chính trị, xã hội. Chăm lo xây dựng buôn, làng, khu dân cư văn hóa không có tội phạm và tệ nạn xã hội; tự quản về ANTT. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền các cấp đối với tổ chức và hoạt động của các đoàn thể, hội quần chúng. Rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các hội nhóm theo hướng: ngăn chặn, vô hiệu hóa ảnh hưởng, chấm dứt hoạt động đối với các hội, nhóm trái pháp luật, xử lý số cầm đầu cốt cán theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh công tác đấu tranh xóa bỏ “Tin lành Đêga”, tà đạo “Hà Mòn” và các tà đạo, đạo lạ khác. Tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở cả trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là trong đồng bào các DTTS Tây Nguyên, làm cho mọi người tiếp tục nhận thức sâu sắc và đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, của bọn phản động Fullro; kiên quyết đấu tranh, phản bác luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tập trung rà soát, phân loại, giải quyết dứt điểm các vụ, việc tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, nhất là các vụ, việc khiếu kiện về đất đai liên quan đến tôn giáo, dân tộc. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là các đội công tác, công an, dân quân tự vệ, cốt cán của các đoàn thể ở những xã, buôn trọng điểm; bảo đảm hoạt động gắn kết, đồng bộ, phối hợp tốt trong việc nắm tình hình, vận động quần chúng, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp mới phát sinh.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã trao tặng Bằng khen cho 32 tập thể, 64 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ./.