Chung tay tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên

25/09/2018
Thời gian qua, thực trạng tội phạm mua bán người tại tỉnh Điện Biên luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Có thể thấy, nhiều phụ nữ và trẻ em nhẹ dạ, cả tin, thường bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, bóc lột sức lao động và lạm dụng tình dục… Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, Công an huyện Tủa Chùa đã tham mưu nhiều giải pháp, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, để người dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm mua bán người và không để mình trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.

Đầu năm 2018, Hạng Thị P. và chị họ là Hạng Thị D. (cùng ở bản Nà Sa, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa) có quen biết qua lại với một số đối tượng lạ mặt, sau đó các đối tượng này thường xuyên nhắn tin, gọi điện trò chuyện yêu đương và muốn đưa về gia đình ra mắt bố mẹ. Vì nhẹ dạ cả tin nghe theo lời nói đường mật của chúng, P. và D. đã tin tưởng đi theo 02 đối tượng lạ mặt và bị lừa đưa sang Trung Quốc. May mắn cho P. và D. sau khi bị đưa sang Trung Quốc đã có người phát hiện, cứu giúp, đưa 02 người trao trả cho Đồn Biên phòng và được trở về với gia đình.

Lực lượng Công an xuống cơ sở.

 

Cũng như các tỉnh miền núi, biên giới khác, hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn biến khá phức tạp, có chiều hướng gia tăng với tính chất tinh vi, thủ đoạn manh động, liều lĩnh, phần lớn các vụ án mua bán người xảy ra tại các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên Đông và Tủa Chùa, các nạn nhân bị lừa bán chủ yếu được đưa sang Trung Quốc lao động làm thuê hoặc ép buộc làm gái mại dâm. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ tháng 11/2016 đến nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa có 35 trường hợp phụ nữ và trẻ em gái vắng mặt lâu ngày tại địa bàn không rõ lý do, nghi bị mua bán qua biên giới. 

Trước thực trạng đó, những năm qua, Công an huyện Tủa Chùa đã đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm rõ các vụ mua bán người, mua bán trẻ em diễn ra trên địa bàn. Chủ động làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trường học tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người tới học sinh và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Ngoài việc tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề về phòng, chống tội phạm mua bán người, Công an huyện, Huyện Đoàn Tủa Chùa đã phối hợp với các tổ chức phi Chính phủ tổ chức các buổi tuyên truyền, sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh các trường học trên địa bàn. Công an huyện Tủa Chùa thường xuyên xuống cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân vùng sâu, vùng xa về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, đồng thời nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ, tiếp nhận, giúp nạn nhân bị lừa bán tái hòa nhập cộng đồng. 

Tổ chức các buổi tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người cho học sinh trên địa bàn.

 

Vụ án Cứ A Tòng bị Công an huyện Tủa Chùa bắt giữ khi đang đưa Thào Thị C. sang Trung Quốc bán là một ví dụ điển hình. Đầu năm 2018, Tòng cùng em trai đến bản Đề Tâu, xã Mường Đun tìm mọi cách tiếp cận, lừa bán các em gái người dân tộc Mông sang Trung Quốc để lấy tiền tiêu xài cá nhân. Do trước đó đối tượng Cứ A Tòng đã từng có thời gian làm thuê, xây dựng đường bê tông tại địa bàn nên quen biết nhiều người. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, đối tượng đã tiếp cận, tán tỉnh yêu đương với Thào Thị C. và hứa đưa C. về ra mắt gia đình. Sau đó đối tượng ép buộc đưa C. lên thị xã Mường Lay để đưa sang Lào Cai bán cho đối tượng người Trung Quốc bên kia biên giới. Lợi dụng lúc đối tượng Tòng mất cảnh giác, C. đã kịp gọi điện về thông báo cho người thân và gia đình đã nhanh chóng trình báo cho cơ quan Công an. Nhận được tin báo, Công an huyện Tủa Chùa phối hợp với Công an thị xã Mường Lay khống chế, bắt giữ đối tượng Cứ A Tòng, Thào Thị C may mắn được trở về với gia đình. Được biết, Thào Thị C. (sinh năm 2000), chỉ được cho đi học hết lớp 6 nên nhận thức về xã hội cũng như những điều cần thiết để bảo vệ bản thân mình trước những cám dỗ của kẻ xấu còn rất nhiều hạn chế, đó chính là những yếu tố mà các đối tượng nhắm đến để lừa bán các nạn nhân.

Hạng Thị P., Hạng Thị D. hay Thào Thị C. chỉ là 03 trong số các nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc trên địa bàn huyện Tủa Chùa trong thời gian vừa qua. Qua những vụ án trên, có thể nhận thấy rõ, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, trình độ dân trí còn hạn chế của người dân, sử dụng chiêu thức giúp họ tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc tìm cách tiếp cận, làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó lừa nạn nhân đi khỏi địa bàn rồi đưa qua bên kia biên giới bán cho các đối tượng người Trung Quốc lấy làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm.

Lực lượng Công an xuống tận thôn bản tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người.

 

Để các nạn nhân bị mua bán sau khi quay trở về địa phương được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể xã hội, các đơn vị chức năng, cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả các hoạt động tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ ban đầu cho các nạn nhân, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân; hạn chế tình trạng bị mua bán trở lại. Có các biện pháp bảo vệ cho nạn nhân và gia đình nạn nhân, không để họ tiếp tục trở thành con mồi của tội phạm mua bán người… Vì thế, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người, nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn, để không còn những hậu quả khôn lường, những nỗi đau dai dẳng cho gia đình và nạn nhân của tội phạm mua bán người, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

 

Thu Trang
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website