Chuyển đổi số góp phần phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình

03/03/2023
Năm 2022, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong đó nòng cốt là lực lượng Công an, việc triển khai thực hiện quyết liệt đề án 06 đã làm thay đổi cả về tư duy, nhận thực, lẫn hành động đối với lãnh đạo, cán bộ và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Đồng chí Thượng tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, Tổ phó Tổ Công tác Đề án 06 của tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo Tổng kết công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2022 của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình cho biết: Thời gian qua, Thái Bình đã đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các ngành, lĩnh vực; tập trung đầu tư hạ tầng, dữ liệu và nền tảng số; xây dựng nguồn nhân lực và hệ thống an toàn, an ninh mạng để đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là trên 3 lĩnh vực chính gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong chính quyền số, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, tỷ lệ văn bản điện tử ký số, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tỉnh đã triển khai các hệ thống, nền tảng phục vụ chính quyền số như: Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Trung tâm điều hành thông minh (IOC). Trong lĩnh vực kinh tế số có bước phát triển mạnh mẽ; tổng doanh thu doanh nghiệp số năm qua đạt 1.200 tỷ đồng, doanh thu thương mại điện tử đạt 100 tỷ đồng. Hoạt động giao dịch thương mại điện tử được đẩy mạnh, giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Trong lĩnh vực xã hội số phát triển mạnh, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, cấp căn cước công dân. Ngoài ra, trong lĩnh vực chuyển đổi số, Thái Bình còn xây dựng thành công và triển khai hiệu quả phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử; trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng zalo,…
 
Đối với Đề án 06 có 42 nhiệm vụ, đến nay tỉnh đã hoàn thành 19 nhiệm vụ và đang triển khai thực hiện 23 nhiệm vụ. Trong đó, Thái Bình đang đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đảm bảo đúng quy định, tiến độ và yêu cầu đề ra.
 
Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn lực lượng Công an tỉnh, đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã thu nhận 1.587.574 hồ sơ; cấp 1.511.719 thẻ CCCD gắn chíp. Công an tỉnh Thái Bình đã làm sạch dữ liệu dân cư theo hướng dẫn của Bộ Công an. Từ đó, việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để khám chữa bệnh, cập nhật thông tin tiêm chủng, cấp hộ chiếu vắc xin và triển khai cấp giấy khám sức khỏe điện tử được đẩy mạnh. Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có 295/295 cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện tra cứu CCCD gắn chíp; có 44 cơ sở đã sử dụng thiết bị đọc thẻ CCCD gắn chíp để thay thế cho thẻ BHYT và có 281.069 người đã sử dụng thẻ CCCD đi khám chữa bệnh. Với việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp để khám chữa bệnh đã giúp người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh; giảm chi phí cho Bảo hiểm xã hội trong công tác cấp thẻ Bảo hiểm y tế giấy; thông tin công dân được xác thực thông qua thiết bị đọc thẻ CCCD giúp việc nhập thông tin được chính xác, nhanh chóng.
 
Nhờ làm tốt công tác sàng lọc, làm sạch dữ liệu dân cư, đến nay, Cổng thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tiến hành xác thực thông tin công dân trong quá trình tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính. Việc này đã giúp cho công tác tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng, chính xác, giảm thời gian kiểm tra, xác minh thông tin trong quá trình tiếp nhận hồ sơ (cán bộ tiếp nhận thủ tục hành chính sử dụng tài khoản đã đăng ký để tiến hành tra cứu, xác minh thông tin công dân trực tiếp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).
Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ Công tác Đề án 06 của tỉnh phát biểu kết luận hội nghị tổng kết công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2022.
 
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số năm 2022, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ Công tác Đề án 06 của tỉnh Thái Bình đã ghi nhận kết quả các sở, ngành, địa phương đạt được trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 của tỉnh. Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hơn nữa về nhận thức của người đứng đầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện chuyển đổi số; từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt trong triển khai thực hiện; bám sát vào nội dung chủ đề chuyển đổi số của năm 2023 là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”.
 
Về thực hiện Đề án 06, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố nắm chắc các mốc thời gian, kế hoạch đã đề ra để tổ chức thực hiện hiệu quả. Quán triệt sâu sắc đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về 7 quan điểm chỉ đạo, 5 mục tiêu trong Đề án 06 để thực hiện hiệu quả 12 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2023. Giao Công an tỉnh tham mưu cho tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, triển khai mô hình điểm về dịch vụ công trực tuyến ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. Công an tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo về triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cấp căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh điện tử, chỉ đạo công an cấp xã tiếp tục làm sạch dữ liệu dân cư theo chỉ đạo của Bộ Công an.
 
Bình Vân - Việt Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website