Ngay sau khi Nghị định số 100 của Chính phủ chính thức có hiệu lực, từ ngày 1/1/2020, cùng với việc thực hiện Tháng cao điểm về phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng Cảnh sát giao thông CSGT Công an tỉnh Điện Biên đã triển khai lực lượng, thành lập nhiều chốt kiểm tra xử lý vi phạm, kết hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân về tác hại của sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng như các nguyên nhân khác dẫn đến TNGT. Sau một thời gian triển khai Nghị định số 100, ý thức của người tham gia giao thông trên địa bàn, nhất là đối với lứa tuổi thanh niên đã được nâng lên rõ rệt, đã hạn chế được thói quen sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
 |
Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Điện Biên kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. |
Chuyển biến rõ nét nhất sau khi Luật Phòng, chống tác hại rượu bia và Nghị định số 100 có hiệu lực là số vụ TNGT được kéo giảm, tình trạng người vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng giảm. Cụ thể, từ ngày 01/01 đến hết tháng 02/2020, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Điện Biên đã lập biên bản 1.357 trường hợp, tạm giữ 363 phương tiện các loại, xử lý 1.261 trường hợp, tước 89 Giấy phép lái xe, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 900 triệu đồng, trong đó chuyên đề nồng độ cồn là 119 trường hợp, tạm giữ 25 phương tiện các loại, tước 40 Giấy phép lái xe, thu nộp kho bạc hơn 200 triệu đồng.
 |
Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Điện Biên xử lý nghiêm người vi phạm sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. |
Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn là từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng Bằng lái xe từ 22 - 24 tháng; đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất là từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22 - 24 tháng. Đáng chú ý, người đi xe đạp, xe đạp điện cũng bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng khi lái xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở, mức xử phạt cao nhất cho các phương tiện này lên tới 600.000 đồng. Do mức xử phạt nghiêm, có tính răn đe nên mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nhưng đa số người dân tại Điện Biên đã chủ động tìm hiểu, biết và thực hiện khá nghiêm túc.
Việc điều chỉnh mức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Nghị định số 100 của Chính phủ đã nhanh chóng tác động đến đông đảo người dân Điện Biên. Từ đó nâng cao nhận thức của đại bộ phận người dân về việc đã uống rượu, bia thì không lái xe, góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân chủ yếu là từ bia, rượu gây ra.