Gia Lai: Bắt và vận động đầu thú nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm

23/09/2024
Từ tháng 6/2024 đến nay, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT), Công an tỉnh Gia Lai đã vận động đầu thú thành công và bắt giữ 6 đối tượng bị truy nã đặc biệt nguy hiểm.

Điển hình như: Phan Văn Thái (SN 1971, trú tại làng Ar Tơ Man, xã Đê Ar, huyện Mang Yang, Gia Lai) là đối tượng truy nã về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Từ năm 2014 đến tháng 3/2018, lợi dụng sự tin tưởng của bà con người dân tộc thiểu số ở làng Ar Tơ Man dành cho mình, Thái vay tiền và thu mua nông sản nợ của 18 người rồi bỏ trốn, chiếm đoạt hơn 866 triệu đồng. Ngoài ra, có 21 người dân tại làng Ar Tơ Man tố cáo Thái nợ tiền mua mì nhưng không viết giấy tờ rồi chiếm đoạt tổng số tiền hơn 990 triệu đồng.

Gần 6 năm truy bắt Phan Văn Thái là cả hành trình đầy chông gai. Trung tá Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh kể: “Nhiều lần xác minh những nơi Thái thường lui tới trước khi bị truy nã, rồi về quê của Thái tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; quê vợ của Thái ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên, cơ quan Công an nhận định Thái không về quê, cũng không đến nhà người quen. Tung tích đối tượng gần như mù mịt, nhưng dù chỉ là những thông tin nhỏ nhất, chúng tôi cũng không bỏ sót. Có lần, chúng tôi phát hiện đối tượng Thái từng làm công nhân tại một công ty tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, tuy nhiên khi đến đây thì được biết Thái đã tự ý nghỉ việc, và lại một lần nữa mất dấu đối tượng”.

Trung tá Nguyễn Minh Tuấn chỉ đạo công tác bắt truy nã.


Không nản lòng, ngay khi có thông tin đối tượng đang ẩn nấp tại khu vực giáp ranh các tỉnh Bình Dương - Đồng Nai - Tây Ninh, Văn phòng CQCSĐT đã cử trinh sát phối hợp với Công an các tỉnh kiên trì khoanh vùng, rà soát. Ngày 16/6/2024, đơn vị bắt được Thái khi đang làm thuê cho một chủ rẫy cao su ở ấp Hố Cạn (thuộc xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) trước sự ngỡ ngàng của đối tượng.

Thực hiện Kế hoạch cao điểm truy bắt đối tượng truy nã của Giám đốc Công an tỉnh, từ ngày 13/8/2024 đến nay, ngoài bắt giữ đối tượng Thái, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã vận động đầu thú, bắt giữ 5 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm khác. Đơn cử như vào đầu tháng 9/2024, Văn phòng CQCSĐT Công an tỉnh truy tìm, bắt giữ đối tượng truy nã Lê Thị Mỹ Trang (SN 1976, trú phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trang bị truy nã từ ngày 10/1/2020, tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” với tổng số tiền chiếm đoạt của 3 nạn nhân ở phường Thắng Lợi là 2,3 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 19/8/2024, đơn vị bắt giữ Nguyễn Quốc Kiểm (sinh năm 1981, trú tại tổ 5, phường Phù Đổng, TP. Pleiku, Gia Lai) tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Kiểm bị truy nã tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” với số tiền 2 tỷ đồng. Tiếp tục lập công, ngày 25/8/2024, đơn vị bắt Phan Văn Thành (SN 1970, trú tại phường Diên Hồng, TP. Pleiku), bị truy nã tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” khi đối tượng đang lẩn trốn tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Từ tháng 1/2016 đến tháng 2/2017, đối tượng này làm giả 4 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 4 thửa đất tại phường Chi Lăng, TP. Pleiku và thế chấp tại 3 tiệm cầm đồ trên địa bàn TP. Pleiku để vay hơn 1,35 tỷ đồng, sau đó bỏ trốn.

Đối tượng truy nã Lê Thị Mỹ Trang bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.


Bên cạnh tổ chức các biện pháp truy tìm, truy bắt đối tượng truy nã, Văn phòng CQCSĐT Công an tỉnh đã kiên trì vận động thành công 3 đối tượng truy nã nhận thức được hành vi phạm tội, ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Lệ Thương và Phùng Thị Ngọc Hiền (cùng sinh năm 1987, trú tại TP. Pleiku), bị truy nã vì thuê 2 xe ô tô tự lái, làm giả Giấy chứng nhận đăng ký xe và thế chấp tại các tiệm cầm đồ, chiếm đoạt 850 triệu đồng; Nguyễn Thị Sinh (SN 1974, trú tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai), tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền chiếm đoạt là 670 triệu đồng.

Nói về đặc điểm của tội phạm truy nã, Trung tá Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Các đối tượng thường dùng mọi thủ đoạn để che giấu thân phận như: thay tên đổi họ, làm hồ sơ giả xin việc, thậm chí có đối tượng phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi ngoại hình, tạo vỏ bọc an toàn. Đó có thể là những công nhân, nông dân, tài xế… trú ẩn ở những thôn cùng ngõ hẻm, sống lẩn lút trong rừng sâu, núi cao hoặc có thể là những khu công nghiệp nơi thành thị đông đúc. Mặc dù nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi đã kiên trì theo dấu và phối hợp bắt giữ để đưa các đối tượng ra trước ánh sáng pháp luật”.


                           
 

 

Thúy Trinh - Lê Ánh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website