Các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì Hội nghị.
|
Bộ trưởng Tô Lâm; Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn lực, coi đây là khâu đột phá, là yếu tố quyết định đến sự phát triển nhanh và bền vững cùng Tây Nguyên. Do vậy, giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, như: Quy mô, mạng lưới các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông được mở rộng đến tận các buôn, làng; hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú được củng cố, mở rộng, phát triển, tạo điều kiện cho học sinh, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số có cơ hội được học tập; chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu về nhân lực có trình độ, tay nghề cao, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.
Giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Nguyên nhằm thực hiện các nghị quyết, chương trình của Chính phủ, cũng như thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII, Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Việc tổ chức Hội nghị về phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên là hết sức quan trọng và cần thiết để thảo luận, đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó xác định những giải pháp, chính sách và mô hình định hướng phát triển giáo dục, đào tạo vùng Tây Nguyên trong thời gian tới. Với mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Tây Nguyên nhằm tạo bước phát triển toàn diện cho nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận làm rõ cơ chế, chính sách quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng… Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở các cấp học; giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học; giải pháp phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các trường đại học trong vùng với sự phát triển nguồn nhân lực; việc phối hợp giữa các trường đại học với cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng… Đánh giá hiệu quả của các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo hiện có đối với vùng Tây Nguyên; nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành những chính sách đặc thù về phát triển giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Nguyên giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025…