Xác định công tác bảo đảm TTATGT cho học sinh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã phối hợp triển khai quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị 31 và Chương trình số 11, thời gian qua, công tác đảm bảo TTATGT nói chung và công tác đảm bảo TTATGT trong lứa tuổi học sinh nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Năm 2024, lực lượng chức năng thuộc hai ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh, giáo viên trong các cơ sở giáo dục. Qua đó đã tổ chức 305 buổi tuyên truyền với sự tham dự của 212.962 học sinh và 11.817 giáo viên, cán bộ, nhân viên các nhà trường; tổ chức cho 271.488 lượt giáo viên, học sinh, và hơn 206 ngàn lượt phụ huynh học sinh ký cam kết chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ và cam kết không giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các cơ sở giáo dục và lực lượng tự quản về an toàn giao thông tại các địa bàn dân cư, lực lượng tình nguyện phối hợp chặt chẽ trong công tác đảm bảo TTATGT, duy trì và nâng cao chất lượng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Đội Cờ đỏ”, “Đội thanh niên tình nguyện”, góp phần ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT và tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.
|
Đại tá Trần Minh Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Hội nghị. |
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm. Kết quả năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản đối với 2.591 trường hợp học sinh vi phạm với số tiền xử phạt gần 500 triệu đồng, lập biên bản gần 200 trường hợp phụ huynh, học sinh giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Đại tá Trần Minh Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh và đồng chí Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng của hai ngành tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền để các em học sinh dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ thực hiện; hướng dẫn 100% các cở sở giáo dục tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Các nhà trường đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát khu vực gần cổng trường để ghi nhận hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh, làm căn cứ xử lý, tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.
|
Đồng chí Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phát biểu tại Hội nghị. |
Lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp học sinh có hành vi vi phạm khi tham gia giao thông, gửi thông báo về nhà trường để có hình thức xử lý và có biện pháp để răn đe, phòng ngừa chung nhưng không gây ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi học sinh hoặc gây bức xúc cho phụ huynh học sinh, áp dụng chế tài xử lý linh hoạt đảm bảo các quy định của pháp luật về quyền trẻ em.
Đồng thời, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, nhất là các đơn vị liên quan như Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và truyền thông, Ban An toàn giao thông tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và cơ quan truyền thông, báo chí cùng phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, bám sát vào các chỉ tiêu tại Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ để phấn đấu thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh, hình thành văn hoá giao thông tiến bộ, góp phần kiềm giảm và đẩy lùi tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) trong lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh.
|
Các đại biểu dự Hội nghị. |