Huyện Điện Biên Đông được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự của tỉnh Điện Biên, nổi lên là tội phạm về ma túy. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 456 người mãn hạn tù, người từ các trường giáo dục, cơ sở giáo dưỡng và các trung tâm cai nghiện trở về địa phương và hàng năm tiếp nhận khoảng gần 50 người. Những năm trước đây, tỷ lệ tái phạm tội khá cao do không có việc làm, nên dễ mặc cảm dẫn tới “ngựa quen đường cũ”. Thế nhưng, từ khi Quỹ hoàn lương của tỉnh Điện Biên ra đời, nhiều người mãn hạn tù đã được vay vốn, tái hòa nhập cộng đồng và vươn lên làm giàu chính đáng.
|
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ hoàn lương, ông Giàng A Khứ đã làm kinh tế theo mô hình VAC. |
Ông Giàng A Khứ (SN 1969, trú tại xã Noong U, huyện Điện Biên Đông) chia sẻ, trước đây do không chí thú làm ăn, muốn giàu có nhanh chóng, lại bị một số bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê, ông đã sa ngã theo họ đi buôn ma túy. Năm 2001, ông Khứ bị Công an huyện Điện Biên Đông bắt giữ và bị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử, tuyên phạt 20 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Nhận thức được lỗi lầm, quyết tâm sửa chữa, ông đã cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về với gia đình xã hội. Do cải tạo tốt, chấp hành nghiêm nội quy của Trại giam, ông được Đảng, Nhà nước khoan hồng xét giảm án tha tù trước thời hạn 6 năm 3 tháng. Năm 2015, mãn hạn tù trở về nhà với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp, không tài sản, gia đình gặp nhiều khó khăn… Trước hoàn cảnh đó, ông Khứ được Công an huyện Điện Biên Đông xét cho vay vốn từ Quỹ hoàn lương 20 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Được vay vốn, ông đầu tư mua 01 con bò giống để chăn thả, đào ao thả cá, khai hoang ruộng nước để trồng lúa, phát nương trồng sắn, làm kinh tế theo mô hình VAC. Đến nay trang trại của ông đã có 03 con bò, 1.000m2 ao nuôi cá thịt, 1.000m2 ruộng nước, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình ông đã thoát nghèo, con cái được học hành tử tế.
|
Lực lượng Công an đến thăm hỏi, động viên chị Quàng Thị Xôm. |
Tình cảnh gia đình chị Quàng Thị Xôm (SN 1984, ở xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông) còn gặp nhiều khó khăn hơn gia đình ông Khứ. Năm 2011, Quàng Thị Xôm bị Công an huyện Điện Biên Đông bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, cùng năm đó bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 07 năm tù giam. Trong khi đang chấp hành cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân, TP Hà Nội được 01 năm thì nhận được tin chồng chị chết trong Trại giam vì các căn bệnh do nghiện ma túy gây ra. Căn nhà cùng toàn bộ tài sản gia đình đã bị chồng chị bán, đứa con gái sống tạm ở nhà những người hàng xóm, người thân. Do cải tạo tốt, năm 2017, chị Xôm được ra tù trở về địa phương, không chốn nương thân. Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị, chính quyền địa phương, lực lượng Công an, người thân trong gia đình đã giúp đỡ cho chị mượn đất để canh tác hoa màu, đồng thời, Công an huyện đã xét duyệt cho chị vay 20 triệu đồng từ Quỹ hoàn lương. Có được số tiền quý giá ấy chị đã đầu tư mua 01 con trâu, vài con dê và gia cầm về làm giống. Giờ đây nhìn thành quả lao động, đàn gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở, bù đắp xứng đáng công sức chị đã bỏ ra.
|
Lực lượng Công an xuống cơ sở vận động tuyên truyền trong nhân dân. |
Đối với những người đã từng lầm lỡ, việc tái hòa nhập cộng đồng là một trong những trách nhiệm của ngành Công an, của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương và của cả cộng đồng dân cư. Việc cho vay vốn ban đầu sẽ giúp họ có tư liệu sản xuất, chí thú làm ăn và trở lại là công dân bình thường một cách nhanh nhất, ổn định bền vững, hạn chế tái phạm tội. Từ năm 2016 đến nay, Công an huyện Điện Biên Đông đã xét, duyệt cho 07 đối tượng vay, mỗi người 20 triệu đồng từ Quỹ hoàn lương. Qua theo dõi, giám sát việc sử dụng vốn, tất cả người được vay vốn đã sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, hoàn vốn theo đúng hợp đồng đã ký. Nhiều người sau đó còn tự nguyện và là nhân tố tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Các nguồn đóng góp Quỹ được gửi vào Ngân hàng chính sách xã hội quản lý công khai. Để việc cho vay vốn được đúng đối tượng, đảm bảo tính khách quan, minh bạch và phát huy hiệu quả của đồng vốn, lực lượng Công an huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cộng đồng dân cư trong việc rà soát, xem xét năng lực và nhu cầu thực sự của các trường hợp vay vốn. Đây là một hoạt động nhân đạo nhằm hỗ trợ, giúp người hoàn lương có điều kiện phát triển sản xuất, tránh mặc cảm, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Với những kết quả đó, Ban Quản lý Quỹ tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp nhằm tăng thêm nguồn vốn của Quỹ để nhiều người hoàn lương được tiếp cận và vay vốn phát triển kinh tế. Trao cơ hội cho người hoàn lương chính là thắp sáng niềm tin trong mỗi con người đã từng một thời lầm lỗi.