Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 7 vụ, 11 đối tượng cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng. Đơn cử từ ngày 15 đến 27/10/203, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông đã liên tiếp đấu tranh, triệt phá 2 nhóm hoạt động “tín dụng đen” cho vay lãi nặng với lãi suất từ 180% đến 365%/1 năm, bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật liên quan, góp phần bảo đảm ANTT tại địa phương.
|
Hai đối tượng Đào Văn Khắc và Đào Văn Cương tại cơ quan Công an. |
Trong đó nhóm của Đào Văn Khắc (SN 1986) và Đào Văn Cương (SN 1987), cùng trú tại huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đến tỉnh Đắk Nông hoạt động “tín dụng đen” cho vay lãi nặng từ tháng 6 năm 2023. Hai đối tượng này sử dụng mạng xã hội Facebook để quảng cáo dịch vụ cho vay tiền. Khi người dân có nhu cầu cần vay tiền, các đối tượng sẽ gặp trực tiếp, kiểm tra hoàn cảnh kinh tế của người vay. Khắc và Cương chỉ cho vay đối với những người có nghề nghiệp ổn định và có hoạt động kinh doanh buôn bán.
Hình thức cho vay là trả góp theo ngày, số tiền cho vay dao động từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng/1 lần vay. Khi vay tiền người vay phải chịu chi phí làm thủ tục là 250 ngàn đồng đến 2,5 triệu đồng và chịu lãi suất tương đương 365%/1 năm. Các đối tượng sử dụng ứng dụng trên trang web để quản lý số tiền cho vay, số người vay và nhắc nhở trả nợ đối với các trường hợp quá hạn.
Từ tháng 6 năm 2023 đến nay, Đào Văn Khắc và Đào Văn Cương đã cho 169 lượt người vay với tổng số tiền vay là hơn 2 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng. Đối với nhóm Bạch Thành Lâm (SN 1991) và Vũ Văn Hạnh (SN 1984), cùng trú tại huyện Đắk Glong hoạt động cho vay lãi nặng từ cuối năm 2022 đến khi bị bắt tháng 10 năm 2023 với lãi suất từ 180%/1 năm, thu lợi bất chính khoảng 800 triệu đồng. Khi người vay chậm trả tiền thì các đối tượng có hành vi đe doạ dùng vũ lực với người vay và gia đình để cưỡng đoạt tài sản.
Theo Đại tá Đỗ Trọng Hoãn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông, với những chiêu trò đánh vào tâm lý người dân như thủ tục đơn giản, nhanh gọn là cầm đồ và các loại giấy tờ hoặc thậm chí chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân mà không cần thế chấp tài sản, người có nhu cầu nhanh chóng nhận được khoản tiền vay được các đối tượng phát tán, dán tờ rơi tại các điểm công cộng, các tuyến đường cũng như lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền quảng bá....
Tuy nhiên không phải mức lãi suất ghi trong hợp đồng mà người vay thực tế sẽ phải trả mức lãi suất cao, từ 3 nghìn đến trên 10 nghìn đồng/triệu đồng/ngày vay hoặc thậm chí là nhiều hơn nữa. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, con nợ nhanh chóng vướng vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát, số tiền lãi phải trả gấp nhiều lần số tiền gốc đã vay. Đối tượng mà tội phạm “tín dụng đen” hướng đến cho vay thường là các hộ kinh doanh, tiểu thương, người có khó khăn tài chính và các đối tượng cờ bạc, chơi bời lêu lổng, cần tiền tiêu xài…
Tội phạm “tín dụng đen” thường đi liền với các loại tội phạm về hình sự, ma túy, lô đề, cờ bạc, các hành vi cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác... Khi con nợ chậm trả hoặc không có khả năng thanh toán sẽ bị các đối tượng gây sức ép bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa, đến tận nhà gây áp lực hoặc sử dụng thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội của người vay, thậm chí của người thân, bạn bè, đồng nghiệp để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đe dọa, khủng bố tinh thần hoặc thậm chí là bị bắt giữ trái pháp luật, bị đánh đập, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, gây bức xúc, phức tạp về an ninh, trật tự.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong cho biết, với tính chất siêu lợi nhuận từ việc cho vay lãi nặng, dự báo tình hình hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” thời gian tới vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Các đối tượng sẽ hoạt động lén lút với nhiều thủ đoạn tinh vi, “núp bóng”, trá hình, biến tướng với các hình thức, vỏ bọc khác nhau.
Bên cạnh đó, việc tiến hành giao dịch trong các hoạt động “tín dụng đen” thường rất kín đáo, giữa người cho vay và người vay đều không muốn tiết lộ cho người khác biết. Do đó, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng. Để tránh những hậu quả, hệ lụy từ “tín dụng đen”, người dân khi thực sự có nhu cầu vay tiền làm ăn, kinh doanh, cần tìm đến những kênh cho vay chính thống như ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng hợp pháp. Trong trường hợp không may trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”, phải báo ngay cho lực lượng Công an hoặc các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết”.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương, bên cạnh sự vào cuộc đấu tranh quyết liệt của lực lượng Công an, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kịp thời tố giác các đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” cho vay lãi nặng.